Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: Vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 193.000 lượt hộ thoát nghèo

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/7, tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, tại Hà Nội, sau 5 năm triển khai thực hiện, đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống….

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, tín dụng chính sách xã hội luôn được Thành ủy quan tâm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch công tác.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội.
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Thành ủy, UBND TP đã ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch; 100% các quận, huyện, thị xã đều ban hành các văn bản để triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn TP. Thành ủy đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực tài chính, hàng năm bố trí ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo, các đối tượng chính sách. 
Tính đến ngày 30/6/2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH TP đạt 4.047 tỷ đồng. Riêng trong 5 năm qua đã bổ sung gần 3.000 tỷ đồng (tăng gấp 3,7 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị). Bên cạnh nguồn vốn được ủy thác từ ngân sách TP, 100% các quận, huyện, thị xã đã quan tâm, bố trí ngân sách cấp mình để bổ sung vốn ủy thác sang NHCSXH.
Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã được triển khai đến 30/30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn của TP. Qua 5 năm, đã có trên 600.000 lượt hộ cận nghèo, hộ nghèo, gia đình chính sách được vay vốn; 235.000 lượt người được vay vốn để giải quyết việc làm; 17.600 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập và qua đó giúp trên 193.000 lượt hộ thoát nghèo. Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách xã hội cũng đã cho vay để xây dựng mới và cải tạo trên 3.000 công trình vệ sinh nước sạch nông thôn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 4.000 nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo. 
“Những kết quả này đã đóng góp tích cực vào thành tích chung của TP trong việc hoàn và về đích trước chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP, nhất là 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng NTM” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho biết, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống còn 0,42% (cuối năm 2019); có 9 quận, huyện không còn hộ nghèo. Hà Nội cũng có 355/386 (trên 96%) xã đạt chuẩn NTM... Thông qua đó giúp cải thiện, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội cũng như củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, địa phương.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, thời gian tới, Hà Nội sẽ làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân và hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đất nước.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục quan tâm, tập trung nguồn vốn ngân sách về một đầu mối là NHCSXH để quản lý và cho vay. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thế chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.