Báo cáo của hai huyện tại cuộc khảo sát cho thấy, trong những năm qua, huyện Gia Lâm và huyện Mê Linh đã tập trung triển khai công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cũng như rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm để để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng đất đai. Việc lập Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đã bám sát với thực tế, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng ngày càng hiệu quả cao (đối với huyện Gia Lâm, giai đoạn 2010-2015 việc sử dụng đất chỉ đạt 21,67% so với kế hoạch; nhưng đến giai đoạn 2016-2020 việc sử dụng đất đạt 71,81% so với kế hoạch).
Về giao đất, cho thuê đất trên địa bàn hai huyện cơ bản được thực hiện theo đúng quy định. Trong đó, huyện Mê Linh đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất được 22,5ha và thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 2.315 tỷ đồng; huyện Gia Lâm đã triển khai thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở được 25ha, đấu giá đất công sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp với diện tích 144,9 ha và thu ngân sách nhà nước đạt 17.387 tỷ đồng.
Đối với vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, từ năm 2012 đến nay, huyện Gia Lâm đã tổ chức thực hiện công tác GPMB được 940,5ha và liên quan đến 17.234 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ đã chi trả là 6.107,2 tỷ đồng. Huyện Mê Linh đã tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án có thu hồi đất lớn như: nhóm dự án đô thị (dự án nhà ở HUD, khu nhà ở CEO, dự án AIC, dự án An Thịnh - Vinaline) đã ban hành được 2.698 quyết định thu hồi đất; nhóm dự án hạ tầng (Đường 100m, đường Chi Đông - Kim Hoa, đường 35m, Đường Trung tâm hành chính huyện đi trung tâm văn hoá thể thao huyện) đã ban hành được 4.350 quyết định thu hồi đất; Dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở đã tổ chức đấu giá được 101 dự án; thu hồi 22,5ha đất nông nghiệp, đất công ích, ban hành 2.176 quyết định thu hồi đất.
Về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, đến nay, huyện Gia Lâm đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đạt tỷ lệ 83,5% (nếu bao gồm cả các trường hợp được cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai thì đạt 98,5%); huyện Mê Linh đã cấp Giấy chứng nhận đất ở lần đầu đạt 95,2% các trường hợp đủ điều kiện (nếu bao gồm cả các trường hợp được cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai thì đạt 100%)…
Xuất phát từ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn quản lý đất đai trên địa bàn, huyện Gia Lâm và huyện Mê Linh đã kiến nghị, đề xuất với TP và T.Ư (huyện ủy Gia Lâm có 13 kiến nghị thuộc 6 nhóm; huyện Mê Linh có 4 kiến nghị). Trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đất đai tại địa phương…
Phát biểu kết luận cuộc khảo sát, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW tại 2 huyện và các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc đối với 12 nội dung đã nêu. Hiện nay đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện. Các nội dung thực hiện đều nghiêm túc và đúng chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư, TP.
Theo đó, cả hai địa phương trong những năm qua đã tập trung công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cũng như rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng đất đai. Thực hiện tốt việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định để Nhân dân, các tổ chức, DN biết và giám sát. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường công tác giám sát của HĐND huyện trong việc chấp hành, thực hiện Luật đất đai, trong đó có công tác quy hoạch sử dụng đất. Vấn đề giao đất, cho thuê đất, đấu giá đất được thực hiện bài bản và đóng góp vào ngân sách lớn.
Về những kiến nghị, đề xuất của 2 huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến giao các cơ quan liên quan tổng hợp, tham mưu Ban cán sự đảng UBND TP hoàn thiện báo cáo trình Ban Thường vụ Thành ủy phục vụ công tác tổng kết cấp TP.