Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến: Phải triển khai quyết liệt biện pháp phòng ngừa và đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm

Đạt Lê, Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 24/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TƯ ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TƯ ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy”.

 Quang cảnh hội nghị. 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc; Thứ trưởng Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Giám đốc Công an TP Hà Nội - Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông.
Và các đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã... đến dự hội nghị.

 Các đại biểu dự hội nghị.
Điều tra, khám phá hơn 42.000 vụ phạm pháp về trật tự xã hội
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng ban Nội chính Thành ủy  trình bày Báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy cho biết: Sau khi Trung ương ban hành Chỉ thị 48-CT/TƯ, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, qua đó nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống tội phạm.
Thành ủy Hà Nội đặc biệt chú trọng, nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Toàn thành phố đã xây dựng trên 300 mô hình, chuyên đề vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; 137 đội tình nguyện phòng, chống tội phạm; thành lập và củng cố 5.427 tổ hòa giải …
Thành phố cũng đã hoàn thành việc bố trí công an chính quy tại 383/383 xã, với tổng số 2.368 cán bộ, chiến sĩ; xây dựng 604 câu lạc bộ pháp luật và phòng, chống tội phạm; trên 10 nghìn hòm thư tố giác tội phạm. Nhờ đó, trong 10 năm qua, nhân dân đã cung cấp trên 300 nghìn nguồn tin, trong đó có trên 200 nghìn nguồn tin có giá trị cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Từ những kết quả trên, công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực. Tính từ ngày 15/11/2010 đến 14/6/2020, toàn thành phố đã điều tra, khám phá 42.937 vụ phạm pháp về trật tự xã hội với 86.195 đối tượng (đạt tỷ lệ 80,8%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra).
 Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị.
Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về kinh tế , tham nhũng phát hiện điều tra khám phá  22.971 vụ/24.437 đối tượng, trong đó: xử lý hình sự 2.462 vụ/3.323 bị can. Xử lý hành chính 18.808 vụ/20.535 đối tượng.
Về công tác đấu tranh phòng chống ma túy: Phát hiện điều tra, khám phá 31.606 vụ/40.738 đối tượng, trong đó xử lý hình sự 27.142 vụ/31.178 đối tượng. Xử lý hành chính 4.719 vụ/9.618 đối tượng. Thu giữ 585,050 kg heroin; 772,7 kg ma túy tổng hợp; 146 kg thuốc phiện; 100 kg cần sa và nhiều tang vật khác.
Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện, xử lý 43.031 vụ việc/43.952 đối tượng. Chuyển cơ quan điều tra 611 vụ/834 đối tượng; xử phạt hành chính 40.788 vụ/41.883 đối tượng, phạt tiền trên 260 tỷ đồng.
Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tổng tiếp nhận xử lý 110.696 đơn tố giác và tin báo về tội phạm... Thụ lý điều tra 82.070 vụ/131.747 bị can; trong đó kết thúc điều tra, chuyển VKS đề nghị truy tố: 68.995 vụ/118.470 bị can.
Ba ngành nội chính 2 cấp đã họp bàn xác lập 12.241 vụ/18.807 bị can để điều tra, truy tố, xét xử điểm nhằm phục vụ yêu cầu chính trị của địa phương, tuyên truyền, giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm...
Xử phạt hơn 19.000 tổ chức, cá nhân vi phạm PCCC
Tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Triển khai thực hiện Chỉ thị số 47 - CT/TW của Ban Bí thư, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 174- KH/TU ngày 28/9/2015; UBND TP ban hành Kế hoạch số 66/KH- UBND ngày 4/4/2016 để tổ chức thực hiện nhằm nâng cao trách nhiệm Đảng viên, cán bộ, người lao động, các tầng lớp nhân dân trong công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn TP...
Về công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH: Xây dựng lực lượng PCCC và CNCH vững mạnh là một trong những yếu tố mang tính quyết định nhằm đảm bảo an toàn PCCC& CNCH. Trong thời gian qua, UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành, UBND cấp huyện phối hợp với các lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH kiện toàn, thành lập 3.628 đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành; Công an TP đã hướng dẫn 2.296 đơn vị, cơ sở đăng ký xây dựng đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC. Đến nay, các cơ sở đơn vị này đã có nhiều hoạt động nổi bật và tích cực để phấn đấu đạt được các tiêu chí về đơn vị điển hình tiên tiến trong công tác PCCC.
Về công tác nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC, UBND TP ban hành Quyết định số 2880/QĐ-UBND, ngày 13/6/2018 về phê duyệt đề án "Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC & CNCH đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018- 2020"... Tổ chức thanh tra chuyên ngành về công tác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH đối với 29 dự án, công trình nhà chung cư cao tầng...

Các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố cơ bản được trang bị đồng bộ hạ tầng phục vụ công tác PCCC. Đa số các công trình được thẩm duyệt thiết kế PCCC theo quy định. Công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC được Công an TP Hà Nội thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định chặt chẽ ngay từ đầu. Đảm bảo cải cách thủ tục hành chính không gây phiền hà cho tổ chức và công dân…

Công an TP đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Cùng với đó, chỉ đạo điều tra, xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về PCCC. Qua kiểm tra đã lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 19.184 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền hơn 65 tỷ đồng. Thành phố cũng ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động với 1.838 cơ sở; đình chỉ hoạt động 1.096 cơ sở…

Ngoài ra, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác CNCH của lực lượng PCCC. Lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã hướng dẫn các cơ sở lập phương án CNCH, hàng năm tổ chức diễn tập theo tình huống. UBND TP đã chỉ đạo Công an TP và các sở, ngành tổ chức xây dựng nhiều phương án chữa cháy và CNCH huy động nhiều lực lượng tham gia phối hợp…

Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ ra những hạn chế, thiếu sót; nguyên nhân tồn tại trong công tác PCCC& CNCH… Đồng thời, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung cũng nêu những phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 47 - CT/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch của Thành ủy, UBND TP Hà Nội trong công tác PCCC& CNCH; Chỉ đạo người đứng đầu cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCC; Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC& CNCH sâu rộng gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với phương châm 4 tại chỗ…; Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại…

 Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá cao những kết quả của Hà Nội trong thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, góp phần kéo giảm các loại tội phạm, trong đó phạm pháp hình sự giảm 14%, không để hình thành các ổ nhóm tội phạm. Thành phố cũng kiềm chế và kiểm soát tình hình cháy nổ, giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có nhiều mô hình, điển hình về huy động sự tham gia của toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, được nhiều địa phương nghiên cứu, học tập...

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, trong thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục xác định việc thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và PCCC, CNCH. Cùng với coi trọng công tác phòng ngừa, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Thứ trưởng Bộ Công an cũng lưu ý Hà Nội tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm tín dụng đen, chiếm đoạt tài sản; tội phạm công nghệ cao; tội phạm núp bóng doanh nghiệp và tội phạm ma túy... Đặc biệt, Hà Nội phải chủ động mọi phương án đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng luôn được Hà Nội xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; từ đó triển khai quyết liệt, đồng bộ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng văn bản cụ thể hóa và tăng cường tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức đến kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện... Nhờ đó, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của việc Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng được Hà Nội triển khai toàn diện, đạt những kết quả tích cực.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; chủ động tham mưu, xây dựng các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, nhất là Chương trình số 09 về “Tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2026”. Đồng chí cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục nhận thức rõ trách nhiệm trong thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW và Chỉ thị số 47-CT/TW, đặc biệt phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là trong công tác nắm bắt và dự báo tình hình để xây dựng Hà Nội tiếp tục là điểm đến đầu tư, du lịch an toàn, hấp dẫn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW và Chỉ thị số 47-CT/TW.
 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao Bằng khen cho các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đặc biệt yêu cầu phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các biện pháp PCCC ngay từ cơ sở; nâng cao hiệu  lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự và PCCC, CNCH; đồng thời đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tiếp tục phát động và nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Trước mắt, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cơ quan, đơn vị, các lực lượng triển khai giải pháp phục vụ tốt nhất, an toàn nhất cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chủ động chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Tân Sửu 2021 vui tươi, an toàn.
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy đã tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW và Chỉ thị số 47-CT/TW.