Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến: Xây dựng cơ chế đặc thù để Thanh Trì hoàn thành tiêu chí lên quận

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan tham mưu, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của huyện Thanh Trì. Trong đó, nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, đối với 5 huyện xây dựng lên quận cần phải có cơ chế đặc thù, nhất là về quy hoạch, tài chính, thu chi ngân sách để tạo nguồn lực cho các huyện thực hiện nhiệm vụ của mình và nhiệm vụ chung của TP...

Chiều 4/3, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Huyện uỷ Thanh Trì về công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao gắn với tiến độ thực Đề án xây dựng huyện Thanh Trì thành quận.
 Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận cuộc làm việc.
Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí thành quận vào năm 2023
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, huyện xác định công tác xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, đến năm 2015, 100% xã được TP công nhận đạt chuẩn NTM; năm 20217, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn NTM và hoàn thành trước 2 năm theo kế hoạch. Còn đối với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, qua rà soát đến nay có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí; 14/15 xã cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí và còn 1 tiêu chí 14 xã chưa đạt là trường học. Huyện đã huy động được hơn 32 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá cho công tác xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020.
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, tính đến nay, huyện chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng và đã xác định được 4.116 trường hợp đi về từ vùng dịch. Hiện đang cách ly 5 trường hợp nghi mắc và 28 trường hợp cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà. 
Đối với tiến độ thực Đề án xây dựng huyện thành quận, theo đề án phê duyệt, huyện đạt 24/27 tiêu chí và còn 3 tiêu chí chưa đạt (cân đối thu chi ngân sách, mật độ giao thông đô thị, đất cây xanh công cộng). Huyện phấn đấu đến hết năm 2023 cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện phát triển thành quận.
Cụ thể, đối với tiêu chí mật độ đường giao thông, hiện nay chỉ còn thiếu khoảng 53,74km đường đô thị. Để hoàn thành tiêu chí này, huyện đã đề xuất và đang chủ động với các sở, ngành TP nghiên cứu đầu tư 11 dự án. Từ đó, đề nghị TP tạo điều kiện cho huyện được triển khai các dự án mới và đôn đốc tiến độ các dự án đang thực hiện trên địa bàn. Về tiêu chí cây xanh, huyện dự kiến sẽ sớm hoàn thành vượt chỉ tiêu của đề án.
 Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến động viên sản xuất tại Công ty TNHH Ngọc Dần.
Đối với tiêu chí cân đối thu chi ngân sách, tại thời điểm phê duyệt đề án, tỷ lệ tự cân đối thu chi ngân sách của huyện đạt 66,3% (bao gồm các khoản thu từ đất). Dự toán năm 2021, TP giao tỷ lệ cân đối thu chi đạt 76,1% (bao gồm các khoản thu từ đất). Để hoàn thiện tiêu chí này, huyện Thanh Trì đang nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, qua rà soát, các DN hoạt động trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, doanh thu hàng năm không lớn. Huyện rất mong TP giúp đỡ bằng các cơ chế đặc thù về phân cấp nguồn thu và các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế.
Rà soát lại các chỉ tiêu để có giải pháp thực hiện
Phát biểu kết luận cuộc kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, huyện chủ động cao trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện và đến nay chưa ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đối với công tác thực hiện các tiêu chí lên quận, huyện đã chuẩn bị chu đáo và các kiến nghị nêu tại cuộc làm việc rất sát với thực tế địa phương. Huyện đang rất quyết tâm hoàn thành 3 tiêu chí chưa đạt và phấn đấu đến hết năm 2023 cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện phát triển thành quận. Đối với công tác xây dựng NTM, huyện thực hiện bài bản và có nhiều nỗ lực, làm rất tốt nhiệm vụ này. Đặc biệt là việc bảo vệ môi trường và chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
“Việc khó nhất của các huyện lên quận là vấn đề quy hoạch. Tuy nhiên, rất mừng trong năm 2021 thì Thành uỷ có một chương trình công tác để rà soát và tích hợp toàn bộ quy hoạch của 30 quận, huyện trên địa bàn TP. Điều này sẽ giúp ích rất tốt cho các huyện phấn đấu lên quận” - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cho biết.
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị, huyện tiếp tục rà soát lại Đề án xây dựng huyện thành quận. Tích hợp lại toàn bộ các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao gắn với xây dựng huyện thành quận. Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ các đơn vị đi trước để ngay từ đầu có sự tính toán đồng bộ, nhất là sự gia tăng dân số để đầu tư hạ tầng giao thông, trường học, môi trường… tránh việc quá tải sau này.
Ngoài ra, huyện phải thành lập Ban chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho từng thành viên để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra, dự báo trước được tình hình để có giải pháp thực hiện; định kỳ có kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện. Tăng cường công tác quản lý đất đai và thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bám sát chỉ đạo của TP để triển khai tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. 
  Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến tặng quà động viên cán bộ, người lao động Công ty TNHH Ngọc Dần.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan tham mưu, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của huyện Thanh Trì. Trong đó, nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, đối với 5 huyện xây dựng lên quận cần phải có cơ chế đặc thù, nhất là về quy hoạch, tài chính, thu chi ngân sách để tạo nguồn lực cho các huyện thực hiện nhiệm vụ của mình và nhiệm vụ chung của TP.
Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 và động viên sản xuất tại Công ty TNHH Ngọc Dần (thuộc Cụm Công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì). Công ty TNHH Ngọc Dần thành lập năm 1998 và được UBND TP Hà Nội chấp thuận vào đầu tư tại Cụm công nghiệp Ngọc Hồi năm 2005 với tổng diện tích là 10.000m2. Ngành nghề chính là sản xuất tấm lợp và kết cấu bao che (các sản phẩm kim khí). Tổng số cán bộ công nhân viên bình quân hàng năm từ 80 - 100 người; thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên công ty 8.000.000 đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2020 là 960 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ năm trước). Công ty có 6 cán bộ công nhân viên là đảng viên và còn lại 100% đoàn viên công đoàn. 
Phát biểu tại đây, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ chúc mừng và đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh mà công ty đã đạt được trong thời gian qua. Nhất trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra nhưng công ty đã rất sáng tạo nỗ lực rất lớn trong sản xuất và giá trị sản xuất năm 2020 tăng 11%; các chính sách cho người lao động được bảo đảm; thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, công ty tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép là vừa sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch; quan tâm đến an toàn trong lao động sản xuất, an toàn thực phẩm; chăm lo tốt đời sống cho người lao động.