Phó Chánh án Thường trực TANDTC Lê Hồng Quang: Xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân phục vụ

Kinh tế Đô thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chúng ta phải xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân phục vụ. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm” - Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang nhấn mạnh.

Ngày 27/1, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang đã tham luận với chủ đề “Phát huy phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, thực hiện hiệu quả cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang

Trong tham luận, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang cho biết: Cách đây hơn 70 năm, tại Hội nghị cán bộ tư pháp toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người; do vậy, Người căn dặn “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Trải qua 75 năm xây dựng phát triển, đất nước ta thay đổi vượt bậc. Nhìn lại chặng đường đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Theo Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang, xây dựng đất nước hùng cường gắn với xây dựng nền tư pháp văn minh, hiện đại là nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới. Thời gian qua, chúng ta thấy rõ sự đổi thay về cơ cấu, tổ chức, hoạt động của hệ thống tư pháp nói chung và TAND nói riêng. Khối lượng công việc mà Tòa án phải giải quyết năm sau cao hơn năm trước từ 8 - 10%. Riêng năm 2020, Tòa án giải quyết hơn 600 nghìn vụ việc các loại, tăng gấp 3 lần so với năm 2005 và hơn 2 lần so với năm 2010. Trong khi đó, số lượng biên chế của Tòa án 10 năm gần đây không thay đổi. Có được kết quả trên xuất phát từ nỗ lực của quá trình cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án.

Trước đây, chúng ta coi việc giúp dân là làm thay cho dân; nhưng với tư duy đổi mới, Tòa án giúp dân chính là mang lại công bằng cho người dân. Do đó, các phán quyết của Tòa án không chỉ căn cứ vào chứng cứ có trong hồ sơ, mà còn dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trong xét xử hình sự, bản án của Tòa án không những áp dụng chế tài trừng trị, răn đe người phạm tội, mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, giáo dục và phòng ngừa chung.

Đối với giải quyết, xét xử các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động, Tòa án giờ đây giữ vai trò trọng tài, hướng dẫn, giúp người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng theo luật định. Tòa án tạo điều kiện thuận lợi để đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, nhưng vẫn tuân thủ nghiêm pháp chế, đồng thời đảm bảo được công lý, công bằng xã hội. Qua cải cách, Tòa án thể hiện sự “gần dân” ở việc đơn giản hóa thủ tục hành chính - tư pháp; minh bạch trong ban hành, công bố bản án, quyết định và phát triển án lệ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin… để người dân tiếp cận hoạt động tố tụng từ xa.

Ngày nay, với sự giúp sức của internet và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, khoảng cách gần dân về địa lý, về thể chất dần thay thế bằng việc phục vụ người dân ngay trên môi trường mạng; Tòa án tương tác với người dân ở bất cứ đâu và bất kỳ khi nào mà không cần phải đến trụ sở Tòa án. Bên cạnh đó, Tòa án giải quyết, xét xử các tranh chấp trong dân trên nền tảng pháp luật, nhưng không tách rời đời sống hàng ngày nên cần phải “hiểu dân” tường tận.

Thẩm phán giờ đây không những tinh thông nghiệp vụ, giỏi kỹ năng xét xử mà cần phải am tường về thực tiễn xã hội, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, những khó khăn của người dân ở nhiều góc độ để có phương pháp giải quyết phù hợp. Từ đó, đưa ra được phán quyết công tâm, có sức thuyết phục.

 Quang cảnh Đại hội

Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang nhấn mạnh, qua việc “gần dân, hiểu dân, giúp dân” tạo nên sự tương tác đa chiều trong “học dân”. Thẩm phán trau dồi kiến thức, kỹ năng xét xử từ việc tham khảo tiền lệ pháp, tập quán pháp tốt đẹp trong dân; đối chiếu với thực định pháp để đưa ra phán quyết thấu tình, đạt lý. Đồng thời, làm phong phú thêm kinh nghiệm xét xử, hình thành án lệ, bổ sung cho những khoảng trống mà pháp luật chưa điều chỉnh.

Thời gian qua, các hoạt động của Tòa án đổi mới rõ rệt theo hướng phục vụ người dân tốt hơn. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện hơn nhằm tăng cường tranh tụng, đảm bảo độc lập tư pháp, áp dụng thủ tục rút gọn đối với một số vụ việc đơn giản; đẩy mạnh hòa giải, đối thoại khi giải quyết các tranh chấp; hiệu chỉnh quy trình xử lý công việc để người dân tiếp cận tòa án nhanh chóng, thuận tiện… Những kết quả đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp phục vụ Nhân dân như Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra.

Tuy nhiên, theo Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang, bên cạnh thành tựu đạt được, việc vận dụng và phát huy phương châm “lấy dân là gốc” trong hoạt động tư pháp vẫn còn những tồn tại nhất định, như việc cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động tư pháp cần nỗ lực nhiều hơn nữa; vai trò giám sát chưa phát huy hết thế mạnh; pháp luật về tố tụng còn bất cập. Tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp đôi lúc chưa bắt kịp những đổi mới về kinh tế - xã hội; việc phân định một số chức năng, nhiệm vụ chưa được đồng bộ. Nhìn chung, hoạt động của cơ quan tư pháp cần phải tiếp tục cải cách để hoàn thiện hơn.

Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang nhấn mạnh, đẩy mạnh cải cách tư pháp là xu thế tất yếu nhằm tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền. Cải cách tư pháp để chúng ta có được nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ Nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam XHCN như mục tiêu Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra, cũng là kỳ vọng về tương lai dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Kế thừa thành quả của thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, Ban cán sự Đảng TAND tối cao đề xuất một số quan điểm, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn hậu 2020: Thứ nhất, kiên định, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất và trực tiếp đối với cơ quan tư pháp. Thứ hai, cải cách tư pháp vì sự phát triển của đất nước. Xác định cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo.

Thứ ba, xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân phục vụ. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm. Tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động theo hướng đảm bảo trong sạch, tinh gọn, hiệu quả. Thứ tư, hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân thông qua hoạt động tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện chế định Hội thẩm Nhân dân.

Thứ năm, hoàn thiện cơ chế giám sát đặc thù của cơ quan dân cử và Nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin hướng tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử. Thứ sáu, đề cao vị trí, vai trò của cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong hệ thống chính trị; xác định đây là thiết chế độc lập; có cơ chế phù hợp đảm bảo độc lập tư pháp.

Thứ bảy, kế thừa và phát huy kinh nghiệm cải cách tư pháp đã đạt được; tập trung giải quyết những nhiệm vụ cải cách chưa hoàn thành; tiếp thu những thành tựu khoa học pháp lý tiên tiến. Thứ tám, xây dựng cơ chế phù hợp, hạn chế tác động từ những chủ thể khác đối với hoạt động tư pháp; thực hiện nghiêm nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần