Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Đề nghị Hà Nội sớm xây dựng, trình đề án về cơ chế đặc thù để thí điểm mô hình chính quyền đô thị”

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Phát biểu tại Kỳ họp thứ 11 HĐND Thành phố Hà Nội khai mạc sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Trong 3 nhiệm vụ Bộ Chính trị giao cho Hà Nội để triển khai thực hiện Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố đang tích cực triển khai xây dựng đề án về những cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội ngoài quy định của Luật Thủ đô hiện nay. Tôi đề nghị Thành phố sớm trình Chính phủ để Chính phủ trình UBTV Quốc hội; hy vọng trong tháng 5/2020, Hà Nội trình Quốc hội để Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết này, tạo cơ sở điều kiện cho Thủ đô phát triển”.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, trong thành công của Kỳ họp Quốc hội vừa qua có sự đóng góp trách nhiệm, trí tuệ và tích cực của Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội Hà Nội với nhiều ý kiến xây dựng sắc sảo, cụ thể. Tin tưởng rằng HĐND TP cũng như từng vị đại biểu HĐND TP tiếp tục mang tinh thần cải tiến, đổi mới của Quốc hội vào Kỳ họp lần thứ 11 của HĐND TP, để thực sự là một kỳ họp dân chủ, đổi mới, xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển của TP năm 2019 và các năm tiếp theo.
Cùng với đó, đồng chí ghi nhận, bày tỏ vui mừng trước sự phát triển rất đáng khích lệ, khá toàn diện của Thủ đô năm 2019 trên tất cả các mặt, trong đó kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, dự kiến tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,46%- năm có mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm gần đây. Trong thành tích chung của TP có sự đóng góp quan trọng của HĐND và từng ĐB HĐND các cấp của TP. Dù khối lượng công việc ngày càng nhiều, Thường trực HĐND TP và HĐND các cấp đã không ngừng nỗ lực, phát huy trí tuệ của ĐB tổ chức các hoạt động của HĐND theo hướng đổi mới về phương thức, nâng cao về chất lượng thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ theo luật định, đổi mới và nâng cao chất lượng trong tổ chức các kỳ họp HĐND, kịp thời ban hành các nghị quyết về các nội dung thuộc thẩm quyền đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thực tế chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Thủ đô; hoạt động giám sát được thực hiện thiết thực và hiệu quả hơn; các phiên giải trình về các nội dung là những vấn đề đang được cử tri và dư luận rất quan tâm, đã có tác động tích cực đến công tác chỉ đạo điều hành quản lý của chính quyền, được dư luận, cử tri và Nhân dân đồng tình, ghi nhận…
 
Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2020 là năm diễn ra Đại hội (ĐH) đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới ĐH ĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nên đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ TP Hà Nội tập trung chỉ đạo cao nhất cho công tác chuẩn bị và tổ chức thành công ĐH, trong đó công tác nhân sự cho HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của nhiệm kỳ ĐH Đảng bộ TP. Tại kỳ họp này, các ĐB HĐND cần đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đối với những yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ rõ trong báo cáo, để cùng thảo luận, đề ra giải pháp quyết liệt, thận trọng nhưng linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế của Thủ đô; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành T.Ư, các địa phương thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc phát triển của Hà Nội theo Luật Thủ đô.
Cùng với đó, đồng chí đề nghị TP tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới, sáng tạo và phát triển, ứng dụng KHCN hiện đại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật nhất là trong thực thi công vụ. Đặc biệt, quan tâm về tổ chức bộ máy phường, thị trấn, có chế độ chính sách hợp lý với ĐB HĐND khi thực hiện Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Đồng thời, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình giao thông quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; chú trọng bảo tồn, phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân…
Tuy nhiên, theo đồng chí, Thủ đô cũng đang đứng trước những áp lực và thách thức nhất định trong quá trình đổi mới phát triển. Đặc biệt trong đó, ùn tắc giao thông là vấn đề rất lớn. Hà Nội đã nhiều lần bàn các giải pháp để giảm thiểu, giải quyết tốt vấn đề này, song do dân số quá lớn, áp lực của sự phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa, phương tiện giao thông cá nhân quá nhiều, trong khi hạ tầng còn mức độ, giao thông công cộng thì hạn chế. Vì vậy, UBND TP, các sở, ban, ngành, quận, huyện cần có những giải pháp rất tích cực nhằm tiếp tục giảm thiểu phương tiện cá nhân, kể cả ô tô và xe máy. Cùng với đó, Hà Nội đứng trước thách thức nữa là ô nhiễm môi trường, không khí, nhất là đang rất sốt ruột về bụi mềm. Là TP du lịch nhưng môi trường không được trong sạch nên rất hạn chế khách du lịch trong nước và quốc tế, ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của người dân. TP đang có những giải pháp, đề án để làm sạch các dòng sông, ao, hồ, nhưng bụi bẩn ở đường phố do các công trình xây dựng, phương tiện giao thông cũ nát, bà con dùng than tổ ong nhiều… đã tác động đến môi trường không khí. Đây là những vấn đề rất cụ thể, TP cần có giải pháp. “Tôi tán thành tại Kỳ họp này và tới đây, HĐND TP chọn 3 lĩnh vực để tập trung giám sát, chất vấn, là quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, quản lý các trường ngoài công lập, vi phạm pháp luật và tội phạm - những vấn đề được xác định rất trúng mà TP cần tập trung giải quyết, có các giải pháp hiệu quả. Trong đó, tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng đưa vào nghị quyết giám sát, chất vấn của Quốc hội các vấn đề trật tự xây dựng, quy hoạch, lấn chiếm đất đai tại nông thôn hiện nay trong quá trình pahts triển đô thị hóa. Tôi tin rằng cở Hà Nội, những vấn đề lớn đó đang đặt ra; HĐND cần đưa vào Nghị quyết những giải pháp để cùng UBND TP thực hiện tốt các nhiệm vụ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cùng với đó, đồng chí đề nghị HDDND TP tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động của HĐND các cấp để nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp, giám sát, giải trình và quyết định các vấn đề quan trọng của HĐND TP; tăng cường công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động thẩm tra, giám sát của các Ban, các tổ ĐB của HĐND; phát huy vai trò, trách nhiệm, trí tuệ và bản lĩnh chính trị của các ĐB HĐND, nhất là ĐB HĐND hoạt động kiêm nhiệm…
Đặc biệt, theo đồng chí, Kỳ họp thứ 11 HĐND TP là kỳ họp quan trọng, trong đó có đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, 7 năm thi hành Luật Thủ đô, để đề ra những giải pháp, phương hướng phát triển cho Thủ đô thời gian tới; nghiên cứu đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để tạo cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội khi thực hiện Đề án chính quyền đô thị. Về vấn đề này, trong Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận và thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 và việc thực hiện thí điểm bắt đầu từ 1/7/2021. Đây là một trong những căn cứ pháp lý rất quan trọng để Thủ đô có điều kiện phát triển nhanh, bền vững.
“Trong 3 nhiệm vụ Bộ Chính trị giao cho Hà Nội để triển khai thực hiện Nghị quyết này, hiện TP đang tích cực triển khai xây dựng đề án về những cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội ngoài quy định của Luật Thủ đô hiện nay. Về việc này, tôi đề nghị TP sớm trình Chính phủ để Chính phủ trình UBTV Quốc hội, và hy vọng trong tháng 5/2020, Hà Nội trình Quốc hội để Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết này, tạo cơ sở điều kiện cho Thủ đô phát triển”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.