Chương trình thực hiện trong 11 năm với quy mô toàn quốc
Tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình) do Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trình bày cho biết, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.
Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa...
Về quy mô, Chương trình thực hiện trên cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn: Năm 2025, 2026-2030 và 2031-2035.
Về mục tiêu cụ thể, có 9 nhóm mục tiêu cụ thể. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, phấn đấu đến năm 2035, việc hoàn thành được các mục tiêu này sẽ góp phần phát triển văn hóa và văn hóa sẽ trở thành một trong ba trụ cột phát triển bền vững của đất nước.
Nội dung thành phần của Chương trình bám sát nội dung kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về 6 nhiệm vụ, bốn giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa; Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về 9 nhóm chính sách và bảy nhiệm vụ phát triển văn hóa tại hội thảo về cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển văn hóa năm 2022. Theo đó, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc xây dựng chương trình sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng, nội dung này chưa được đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể, đầy đủ. “Đây là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét quyết định chủ trương đầu tư của Chương trình; đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ và sâu sắc hơn các tác động đối với hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của chương trình” – Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cơ bản nhất trí với đề xuất về quy mô, phạm vi, địa điểm thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng phạm vi, quy mô của Chương trình còn rộng, dàn trải. Do đó, đề nghị cần xác định các nhiệm vụ đầu tư trọng điểm trong từng thời kỳ dựa trên điều kiện thực tiễn ở địa phương và kết quả đầu tư của ngân sách nhà nước ở các thời kỳ trước, một số loại hình công trình văn hóa đặc thù không nên phân bổ đều ở tất cả các địa phương.
Về mục tiêu của Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận thấy, các mục tiêu của Chương trình được xây dựng dựa trên các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa trong các nghị quyết của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn về hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình.
Xác định trọng tâm, trọng điểm để tạo đột phá trong phát triển văn hóa
Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình. Tuy nhiên, Chương trình mục tiêu quốc gia là chính sách quan trọng của Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách của ngành văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ đầu tư khác của Nhà nước cho hoạt động phát triển văn hoá. Do đó, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phải được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, là xu thế của thời đại. Tờ trình của Chính phủ có liệt kê nhiều lĩnh vực: hoạt động văn hóa nghệ thuật, di sản, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, điện ảnh..., cuối cùng mới là công nghiệp văn hóa. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cách ghi như thế này chưa được cụ thể và bản thân công nghiệp văn hóa đã bao trùm một số lĩnh vực trên, chẳng hạn điện ảnh là công nghiệp văn hóa.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhân Chương trình này, phải dành sự quan tâm rất đặc biệt đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa, trên thế giới công nghiệp văn hóa rất phát triển, trở thành động lực tăng trưởng, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; được nhiều nước quan tâm, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, và nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020 - 2030 cũng nêu rõ quan điểm, các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, văn hóa nhưng cũng là kinh tế.
“Lâu nay chúng ta cứ hiểu văn hóa là ngành đi tiêu tiền, nhưng trên thế giới hiện nay đây là ngành làm ra rất nhiều tiền, là ngành có giá trị gia tăng rất cao” – Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm. Đồng thời nhấn mạnh, ngành công nghiệp văn hóa đem lại lợi nhuận rất lớn, mà Nhà nước không cần phải đầu tư quá nhiều, quan trọng là tạo điều kiện cho xã hội phát triển.
Phát biểu kết luận nội dung họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là Chương trình quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng và kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Việc thực hiện Chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ, phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Chương trình cần thể hiện rõ hơn một số nội dung, như: về công nghiệp văn hóa; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, các đột phá, điểm nhấn của Chương trình; việc xây dựng trung tâm văn hóa tại một số quốc gia…