Sáng 16/6, Đoàn giám sát số 1 của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã làm việc với huyện Mê Linh về việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từ năm 2016 đến nay.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc |
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong những năm qua, huyện Mê Linh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Huyện đã tư vấn, định hướng ban đầu cho người lao động nông thôn trong việc lựa chọn, đăng ký và tham gia học nghề, giới thiệu việc làm phù hợp.
Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức 127 lớp dạy nghề cho 4.370 lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (trong đó: Nghề phi nông nghiệp 29 lớp với 990 học viên, nghề nông nghiệp 98 lớp với 3.380 học viên), là đơn vị có số lao động nông thôn được đào tạo đứng thứ 6 của TP. Số người có việc làm sau đào tạo nghề hàng năm đạt 82,95% (trong đó: số lao động tự tạo việc làm chiếm 93,25%). Tất cả các học viên tham gia học nghề được hỗ trợ 100% kinh phí; các đối tượng học viên thuộc đối tượng 1, đối tượng 2 (người có công, đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo) được hỗ trợ tiền ăn cho các ngày thực học; hỗ trợ học viên vay vốn giải quyết việc làm khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác điều tra, dự báo nhu cầu học nghề, tư vấn cho người lao động ở một số đơn vị chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát với thực tế; công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động chọn nghề và tham gia học nghề còn hạn chế. Số lượng người lao động tham gia đào tạo nghề còn ít so với quy mô lao động nông thôn của huyện.
Đào tạo nghề theo nhu cầu người học hiệu quả chưa cao, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn và chưa chuyển dịch được lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp hoặc chuyển đổi sang nghề nông nghiệp mới (số lao động được đào tạo theo ngành phi nông nghiệp chiếm 22,65%).
Bên cạnh đó, chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề. Số lao động động nông thôn sau đào tạo nghề được doanh nghiệp tuyển dụng chưa cao (chiếm 6,76% lao động nông thôn được đào tạo). Một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau đào tạo, người lao động sau khi học nghề chưa duy trì được nghề lâu dài…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn – Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc |
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận, biểu dương huyện đã khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, huyện Mê Linh phải chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề nhằm thay đổi nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm học nghề của người lao động. Cùng đó, rà soát, xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu đào tạo nghề phải sát với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chú trọng đào tạo theo chuỗi sản phẩm, đào tạo gắn với sản xuất và bao tiêu sản phẩm; nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp.
Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các doanh nghiệp trong giải quyết việc làm: Nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp, các tổ hợp tác xã trên địa bàn, từ đó có biện pháp giúp người lao động giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; các tổ chức chính trị xã hội và người dân trong việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo việc tổ chức dạy và học đúng đối tượng, đủ thời gian theo chương trình đào tạo; đúng định mức, chế độ chi theo quy định. Thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo đúng quy định.
“Các sở, ngành phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với huyện Mê Linh trong thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc của huyện trong quá trình thực hiện, đặc biệt các kiến nghị tại buổi làm việc. Cùng đó, chủ động đề xuất tham mưu TP các giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn TP” - Trưởng đoàn giám sát đề nghị.