Thúc đẩy hơn nữa việc gắn kết bảo tồn di tích với phát triển du lịch tại thị xã Sơn Tây

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND TP về Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa 
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, thực hiện Nghị quyết của HĐND TP, thị xã Sơn Tây đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương của huyện tập trung triển khai thực hiện thông qua việc ban hành, cụ thể hóa các nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển văn hóa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 Đoàn giám sát đi kiểm tra thực tế tại Thành cổ Sơn Tây. 
Công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ luôn được quan tâm. Theo đó, thị xã đã đầu tư, bố trí nguồn kinh phí cho công tác phát triển văn hóa, đặc biệt là tu bổ, tôn tạo các di tích và xây dựng các thiết chế văn hóa với tổng kinh phí hơn 544 tỷ đồng. Thị xã có 75/244 di tích được xếp hạng (16 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 59 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố).
Thị xã đã lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm đã được phê duyệt và đi vào thực hiện; lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích Làng cổ Đường Lâm đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, khai thác, quản lý theo hướng đồng bộ, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt của người dân. Có 114/118 thôn có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 96,6%; có 59/62 tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 95,1%.
Bên cạnh những kết quả trên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cũng cho rằng, việc bố trí để hoàn thành mục tiêu xây dựng mới nhà văn hóa của các thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa còn chưa bố trí được quỹ đất sạch; việc sắp xếp các điểm kinh doanh dịch vụ ở một số di tích còn chưa hợp lý; công tác vệ sinh môi trường tại một số di tích đôi khi còn chưa đảm bảo.
Nguyên nhân do một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể còn xem nhẹ ý nghĩa, mục đích của công tác phát triển văn hóa - xã hội. Đặc biệt là việc xây dựng nếp sống văn minh, quản lý và phát huy giá trị di tích nên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đôi lúc thiếu tập trung; công tác phối hợp có lúc chưa chặt chẽ; nhận thức của một bộ phận người dân về thực hiện nếp sống văn minh còn chưa cao. 
Lồng ghép quy hoạch phát triển văn hóa với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Sau khi thành viên đoàn giám sát trao đổi, đại diện các sở chuyên ngành và UBND thị xã Sơn Tây báo cáo, giải trình thêm, làm rõ các nội dung đoàn quan tâm, phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận, thời gian qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền của thị xã trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND. Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND TP, UBND thị, xã đã ban hành nhiều văn bản triển khai đồng bộ công tác này, kết hợp với nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá về văn hóa địa phương. Qua đó, tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác quy hoạch và phát triển văn hóa trên địa bàn. 
 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại buổi giám sát. 
Đồng tình với một số hạn chế, khó khăn trong lĩnh vực này của thị xã, nhất là các thiết chế văn hóa còn thiếu sự kết nối, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP đề nghị thời gian tới, thị xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận và huy động đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển văn hoá. 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ quy hoạch và phát triển văn hóa. Rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch văn hóa của địa phương theo tinh thần “quy hoạch phải đi trước một bước”. Lồng ghép nội dung quy hoạch phát triển văn hóa trong các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thị xã cho phù hợp. Phát huy truyền thống văn hóa xứ Đoài, gắn kết việc bảo tồn di tích như làng cổ Đường Lâm, đền Và, đền thờ vua Ngô Quyền... với phát triển du lịch.
Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa tạo mọi nguồn lực cho phát triển văn hoá, thị xã cũng cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu cho lĩnh vực văn hóa đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đảm đương công việc. Cùng với đó, thị xã cũng tích cực hơn nữa phối hợp với các sở, ngành rà soát các chính sách của thành phố liên quan đến phát triển văn hóa, đề xuất với thành phố điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần