Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP: Sát sao, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Thủy Tiên - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/9/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu - phụ trách, điều hành hoạt động của Ban cán sự Đảng UBND và UBND TP chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 8/2020.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, cùng đại diện các sở ngành, quận huyện, phường, xã, thị trấn tại các điểm cầu.
Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tháng 8 tiếp tục tăng so với tháng 7/2020
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2020.
 Toàn cảnh hội nghị
Theo đó, tháng 8/2020, Thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu và phục hồi kinh tế. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tháng 8 tiếp tục tăng so với tháng 7. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, lũy kế 8 tháng đầu năm còn một số chỉ tiêu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 3,4% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng đầu năm tăng 4,1%; tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 261,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,37% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng đạt 1,92 triệu tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ tháng 8 ước đạt 51 nghìn tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng đạt 370,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ.
Khách du lịch đến Hà Nội tháng 8 ước đạt 310.000 lượt, giảm 70,3% so với tháng 7; lũy kế 8 tháng đạt 6,29 triệu lượt, giảm 67,3% so với cùng kỳ.
Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 179.191 tỷ đồng (bao gồm 20.145 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất dự kiến được gia hạn), đạt 64,3% dự toán, bằng 101,6% so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục quan tâm nghiên cứu, đầu tư và triển khai dự án trên địa bàn. Lũy kế hết tháng 8 có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký hơn 241,7 nghìn tỷ đồng (giảm 3% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đến nay đạt trên 295,8 nghìn doanh nghiệp.
Hệ thống hạ tầng đô thị tiếp tục được duy trì; đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hạ ngầm dây cáp viễn thông và điện lực; thi công các trạm xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp. Kiểm tra, đảm bảo duy trì hệ thống thoát nước và các công trình cải tạo chống úng ngập. Chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đất đai; đảm bảo an toàn giao thông và trật tự đô thị.

Tháng 8/2020, Thành phố đã tổ chức hiệu quả, an toàn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân; các hoạt động kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng 8 và chuẩn bị kỷ niệm Quốc khánh 02/9. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và sẵn sàng khai giảng năm học mới.
Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, duy trì tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Tháng 9/2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình 07/CTr-UBND ban hành đầu năm, đồng thời thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh gắn với đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Trong đó, tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17, các nội dung phục vụ lãnh đạo Thành phố làm việc với các bộ ngành Trung ương. Thực hiện các giải pháp đồng bộ để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn.
Thực hiện nghiêm các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 06/7/2020 của HĐND Thành phố và các nhiệm vụ Chương trình 07/CTr-UBND của UBND Thành phố, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai các hoạt động phát triển thị trường trong nước, tổ chức hội trợ, tháng khuyến mại, kích cầu… thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp; chú trọng phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi; tập trung tái đàn lợn;…
Triển khai quyết liệt các giải pháp thu ngân sách. Rà soát, đôn đốc, chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và cam kết giải ngân vốn đầu tư công theo Chương trình hành động số 144/CTr-UBND của UBND Thành phố.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Niêm yết công khai tỷ lệ giải ngân của từng dự án
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội báo cáo cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, KBNN Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ, UBND Thành phố, Chương trình hành động số 144/CTr-UBND ngày 15/7/2020 của UBND Thành phố về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để công tác kiểm soát chi vốn đầu tư xây dựng cơ bản qua KBNN ngày càng thuận lợi, thanh toán kịp thời cho các nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
 Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nộ cũng cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 8 tháng đầu năm nguồn vốn ngân sách địa phương mới chỉ đạt 35,4%. Nguyên nhân, ngoài việc ảnh hưởng của việc nghỉ Tết Nguyên đán và dịch Covid-19, tại các dự án còn nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đến ngày 30/8/2020, nguồn vốn linh hoạt cho công tác GPMB mới chỉ đạt 164/320 tỷ đồng, đạt 51,3%.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đồng thời phải thực hiện giải ngân song song kế hoạch vốn của năm 2020 và vốn 2019 kéo dài sang năm 2020, do đó cũng làm giảm tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020.
Đối với các dự án chuyển tiếp: Các chủ đầu tư, ban quản lý còn nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục phát sinh (như điều chỉnh dự toán, điều chỉnh hợp đồng, phê duyệt khối lượng phát sinh,…).
Đối với các dự án khởi công mới: Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án vẫn đang trong quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, đàm phán ký kết hợp đồng rồi mới tiến hành thi công xây dựng nên chưa có hồ sơ gửi Kho bạc để tạm ứng hoặc thanh toán.
Một số dự án khởi công vào cuối năm 2019, đã tạm ứng hợp đồng từ vốn kế hoạch năm 2019, sang năm 2020 phải thực hiện hoàn trả khối lượng thanh toán tạm ứng theo quy định.
Những tháng cuối năm, Kho bạc Nhà nước Hà Nội thực hiện niêm yết công khai tỷ lệ giải ngân của từng dự án, từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án tại trụ sở Kho bạc Thành phố và tất cả các Kho bạc quận, huyện để các chủ đầu tư theo dõi, đối chiếu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Đẩy mạnh thực hiện thanh toán 100% các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án qua Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước tạo sự minh bạch trong công tác kiểm soát chi và thanh toán cho các nhà thầu nhanh chóng, kịp thời.
Không để lạm thu đầu năm
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, về công tác tháng 8, ngành GD&ĐT tập trung tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với quy mô lớn, đến thời điểm này kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đạt kết quả khả quan.
Tổng số thí sinh đạt điểm 10 điểm đợt 1 là 416 thí sinh; tổng số bài thi được 9 điểm là trên 10 nghìn thí sinh; tổng số thí sinh có tổng 3 bài thi đạt 28 điểm trở lên là 274 thí sinh, có 1 thí sinh thủ khoa. Nếu không tính thí sinh tự do thì hệ THPT tốt nghiệp đạt 99,52%, hệ giáo dục thường xuyên tốt nghiệp đạt 96%.
 Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị
Đối với công tác tuyển sinh đầu cấp, ông Chử Xuân Dũng cho biết năm học này tiếp tục phương pháp tuyển sinh trực tuyến. Kết quả số lượng tuyển sinh trực tuyến lớp 1 trên 83%, lớp 6 là trên 80%, đặc biệt là số học sinh trái tuyến năm nay giảm. “Đây là tín hiệu vui để giảm sĩ số trong nhà trường, tạo điều kiện về sự cân bằng về học sinh giữa các đơn vị, lớp 1 tuyển sinh trái tuyến còn 1,8%, lớp 6 giảm 2,6%” – Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh.
Trong tháng 9, có 2 nội dung Sở GD&DT tập trung thực hiện, đó là tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2, toàn Thành phố có 1 điểm thi với 7 thí sinh, trong đó có 4 thí sinh F2 và 3 thí sinh là chiến sỹ tham gia phòng chống Covid-19 chưa kịp thi đợt 1.
Thứ hai là tập trung tổ chức năm học mới, ngày 25/8, Sở đã có 3 văn bản hướng dẫn các phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã về 3 nhóm vấn đề: Công tác chống dịch bệnh đầu năm; triển khai công tác khai giảng và một số nhiệm vụ trọng tâm đầu năm; thu chi tài chính. Ngày 28/8, Sở đã tổ chức hội nghị trực tuyến 30 quận huyện, thị xã và các xã phường với trên 5.400 người tham dự để quán triệt công tác triển khai đầu năm.
Tại phiên họp giao ban, Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện: Tổ chức tốt ngày khai giảng, toàn Thành phố tổ chức ngày 5/9 bảo đảm khai giảng an toàn, vui tươi, phấn khởi đón học sinh đầu cấp và bảo đảm công tác chống dịch; tiếp tục công tác chống dịch. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo hướng dẫn thu chi đầu năm, tuyệt đối không để lạm thu đầu năm, “nếu có trường hợp xảy ra đề nghị xử lý quyết liệt”. Cùng với đó các nhà trường tiếp tục bảo đảm an toàn, an ninh trường học, đề nghị các địa phương chỉ đạo tiếp tục rà soát hệ thống điện, cây xanh; tiếp tục rà soát trang thiết bị để các nhà trường.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động cho biết, Sở được giao phụ trách 59 sự kiện chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn, nhưng do dịch nên đều hoãn, song mọi công tác chuẩn bị cho các sự kiện đều đã được sẵn sàng.
Giám đốc Sở VHTT cũng đề xuất TP sớm bố trí ngân sách để hỗ trợ 239 nhà văn hóa thôn xây mới và 27 nhà văn hóa sửa chữa để kịp hoàn thành chương trình 04; hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng mà đã được rà soát nhiều lần. TP và các địa phương cũng sớm bố trí ngân sách để chủ đầu tư triển khai 8 công trình sửa chữa để phục vụ Seagames31.
Triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế xã hội
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 8 của TP tiếp tục tăng trưởng khá, dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đánh giá cao sự quyết liệt, sát sao của BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 của TP đã góp phần kiểm soát được dịch bệnh, kịp thời xử lý ngay khi có ca mắc mới.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu kết luận hội nghị
Bên cạnh đó, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, Thành phố bình yên. Đầu tư xây dựng, giao thông, hạ tầng, đô thị của TP tiếp tục được triển khai. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết, tới đây TP sẽ có một số công trình khởi công, khánh thành để chào mừng Đại hội Đảng TP và Đại hội Đảng toàn quốc.
Nêu 14 công việc hiện nay Thành phố cần tập trung triển khai trong tháng 9/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị các quận, huyện đã hoàn thành Đại hội, phải chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ nghiệm thu. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. “Riêng giải phóng mặt bằng, yêu cầu Chủ tịch 30 quận, huyện, thị xã phải trực tiếp chỉ đạo” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị.
Nhấn mạnh đây là giai đoạn nước rút, chỉ còn 4 tháng là hết năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị tập trung triển khai các nhiệm vụ cấp bách, bám vào chương trình công tác, rà soát lại bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng, kế hoạch nhất là chỉ số cải cách hành chính. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng đề nghị Sở Nội vụ xem xét lại chỉ tiêu 2020 về xét tuyển, thi tuyển cán bộ công chức, viên chức.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP yêu cầu phải triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, đề nghị các quận, huyện theo thứ tự ưu tiên về đầu tư, dự toán, các dự án cấp bách để báo cáo TP.
Về mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp trên 4%, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị vụ đông cần tập trung đẩy mạnh năng suất, bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng. Cùng với đó, đẩy nhanh đôn đốc các dự án xử lý nước thải; tiếp tục kêu gọi đầu tư 5 cụm công nghiệp.
Đặc biệt, nêu nguy cơ TP vẫn còn tiềm ẩn rủi ro về dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị các địa phương cần tiếp tục xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, nhất là không đeo khẩu trang nơi công cộng. “Đề nghị Chủ tịch quận, huyện, thị xã, xã phường thị trấn “không ngồi ở phòng làm việc”, phải trực tiếp đi kiểm tra, bởi nếu ko đi kiểm tra thực tế thì không thể kiểm soát được tình hình” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nói.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm vụ việc pate Minh Chay; tiếp tục tổ chức tốt công tác khai giảng năm học mới.