Sáng 22/9, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, HĐND TP khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đã trình bày Báo cáo tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội; việc triển khai các chính sách của T.Ư và TP về chính sách hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng báo cáo tại Kỳ họp |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận gần 4.200 ca, trong đó có 1.312 ca ngoài cộng đồng. Giai đoạn trước khi giãn cách xã hội, từ ngày 27/4-23/7/2021 (88 ngày) toàn TP ghi nhận 913 ca mắc, trung bình 10,4 ca/ngày; tuy nhiên trong các ngày 21, 22/7 số ca mắc tăng; từ giữa tháng 7 số ca mắc gia tăng, xuất hiện những chùm ca bệnh phức tạp phát hiện tại cơ sở khám chữa bệnh, nhà máy trong khu công nghiệp, chợ, khu dân cư… nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Ngày 23/7, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất cao việc áp dụng giãn cách xã hội trên toàn địa bàn TP để phòng chống dịch; triển khai từ 6 giờ ngày 24/7 và đến nay qua 4 đợt giãn cách xã hội.
Số ca mắc trung bình tại đợt giãn cách thứ 4 đã giảm mạnh (27,7 ca/ngày so với 71,2 ca/ngày tại đợt giãn cách thứ 1); số ca nhiễm trong cộng đồng giảm (35 ca/ngày tại đợt giãn cách 1 xuống còn 2,7 ca/ngày đợt giãn cách 4), số ca chuyển nặng phải chuyển tầng điều trị giảm, tỷ lệ chữa khỏi tăng. TP cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; đã kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao.
Về công tác đảm bảo an sinh xã hội, với quyết tâm giúp người dân sớm được thụ hưởng chính sách, chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của T.Ư, đặc thù của Hà Nội và huy động xã hội hoá để quyết định hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí 1.138,106 tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 866,174 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 271,932 tỷ đồng). Đến nay, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 1,633 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội với kinh phí 576,398 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho trên 1,608 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 531,051 tỷ đồng).
Các đại biểu tham dự Kỳ họp |
Ngoài ra, Hà Nội ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND TP về quy định một số chính sách đặc thù của Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến nay, các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 285.729 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là 289,776 tỷ đồng (đã tổ chức chi trả cho 285.000 đối tượng với kinh phí 288,31 tỷ đồng). Trong đó, đã có 282.654 người thuộc 03 nhóm đối tượng: người có công, đối tượng BTXH và hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt với số tiền 282,654 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện chi trả cho 282.393 người, hộ gia đình với số tiền 282,393 tỷ đồng). Thành phố đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 7 nhóm trong số 8 nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết 15/NQ-HĐND, còn 1 nhóm chưa có kết quả phê duyệt hỗ trợ do chưa nhận được hồ sơ của đối tượng là nhóm số nhóm số 5 "Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp".
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, dư luận Nhân dân tuyệt đối tin tưởng các chỉ đạo quyết liệt của T.Ư, TP trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhân dân đánh giá cao việc lãnh đạo TP rất quan tâm công tác an sinh xã hội; MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức từ thiện và các nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ những hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc thiết lập các đường dây nóng đã giúp người dân kịp thời phản ánh và đề nghị được hỗ trợ trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.
Đến nay, Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; đã kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao. TP đã điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch tại một số quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn không có ca bệnh mắc mới tại cộng đồng (vùng xanh), người dân đang thu hoạch vụ mùa; cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã hoạt động trở lại. TP đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; trong đó, tiếp tục chỉ đạo việc sàng lọc bằng xét nghiệm đối với các khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, thực hiện công tác xét nghiệm sàng lọc đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao, như chuỗi cung ứng, người giao hàng. Phân loại mức độ nguy cơ để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo nguyên tắc “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”. Tiếp tục rà soát tiêm vét mũi 1 vaccine phòng Covid-19 cho người dân từ trên 18 tuổi trở lên chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 trên cơ sở số vaccine được phân giao của Bộ Y tế.
Đặc biệt, TP tiếp tục củng cố các “pháo đài” chống dịch tại từng phường, xã, thị trấn, lấy người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm, là chủ thể để phòng, chống dịch với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị. TP cũng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng vaccine bao phủ cho toàn bộ người dân trên địa bàn TP. Tạo điều kiện tối đa cho người dân đảm bảo các sinh hoạt hàng ngày đảm bảo an sinh xã hội và nhu cầu thiết yếu khác. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa...