Là một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng văn hoá dân gian Việt Nam, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết về cậu bé làng Phù Đổng đánh giặc Ân, mang lại thái bình cho đất nước.
Truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, Thánh Gióng phi ngựa đến chân núi Sóc (huyện Sóc Sơn), cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Đây được coi là một trong những hình tượng đẹp và hào hùng nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam.
Để tưởng nhớ công đức của ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi về trời, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hàng năm, từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch.
Lễ khai hội đền Sóc 2025 bắt đầu từ 6 giờ 30 phút ngày 3/2/2025. Đến dự sự kiện văn hoá quan trọng này của huyện Sóc Sơn có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải. Phó Chủ tịch Hà Minh Hải đã kính cẩn làm lễ dâng hương Đức Thánh Gióng và tham dự toàn bộ chương trình khai hội.
Thay mặt Ban tổ chức lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh đã nổi hồi trống khai hội đền Sóc 2025. Sau bài văn tế là lễ rước và lễ tế của các thôn làng. 8 lễ vật được cung tiến tại lễ hội Gióng Xuân Giáp Thìn được dâng lên đức Thánh Gióng gồm: Thần mã, Cầu húc, Trầu cau, Voi chiến, Ngà voi, Cỏ voi, Kiệu tướng và Giò hoa tre.
Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Đào Anh Tú cho biết, lễ hội đền Sóc 2025 là một trong những lễ hội lớn nhất của TP Hà Nội và cả nước, đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010.
Lễ hội đền Sóc hàng năm đã trở thành sự kiện quan trọng, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá - tín ngưỡng của người dân. Sự kiện văn hoá tín ngưỡng quan trọng này còn hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo của Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc. Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của huyện Sóc Sơn nhằm thúc đẩy du lịch phát triển trong thời gian tới.