Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó giáo sư trẻ “thầm lặng” làm theo lời Bác

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Nghiên cứu khoa học không chỉ là niềm đam mê mà còn là hạnh phúc đối với PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi (sinh năm 1982) - giảng viên bộ môn Dược lý, Khoa Dược, Đại học (ĐH) Y Dược TP Hồ Chí Minh.

Chị là nữ PGS trẻ nhất trong ngành Dược từ trước tới nay về dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2016 vừa qua. 
Trò chuyện với chúng tôi, PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi kể, chị từng mơ ước làm kỹ sư hóa dầu nhưng có lẽ cuộc đời đã lựa chọn, đặt chị vào vị trí nghiên cứu dược học và chị vẫn từng ngày đi tìm lời giải cho kho thuốc phong phú sẵn có trong dân gian Việt Nam.
Ngay năm thứ hai ĐH, chị đã phụ việc tại phòng thí nghiệm cho một số thầy cô học ở nước ngoài về. Thời điểm ấy, chị chưa định hình sẽ nghiên cứu lĩnh vực gì, chỉ nghĩ đơn giản học dược sẽ tìm ra chất A, chất B nào đó, rồi bào chế thuốc để chữa bệnh. Quá trình trải nghiệm nghiên cứu đã kích thích khả năng tư duy, chị càng đam mê tìm tòi, nghiên cứu. Kết quả được ghi nhận ở năm cuối, chị là sinh viên duy nhất tham gia báo cáo và đoạt giải tại hội nghị khoa học trẻ cấp trường dành cho giảng viên.

PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2016. Ảnh:Trần Thanh Thảo

Sau khi tốt nghiệp ĐH Dược, chị được giữ lại trường giảng dạy. Sau 2 năm công tác tại Khoa Dược, trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, chị tự tìm học bổng du học tại ĐH Rennes (Pháp). Tại đây, chị đã lần lượt bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu để nhận bằng Thạc sĩ và TS khi mới 29 tuổi. Trong thời gian này, chị đã tham gia thực hiện đề tài "Nghiên cứu tác dụng của rượu lên quá trình tăng trưởng và biệt hóa tế bào trên dòng tế bào ung thư gan người: Chứng minh mối liên quan với quá trình chuyển hóa sắt và polyamine". Sau khi về nước, chị tiếp tục phát triển đề tài này ở nhiều khía cạnh khác nhau để tìm ra hướng hạn chế căn bệnh ung thư, các bệnh về gan, thận, đái tháo đường, rối loạn lipid huyết... Cùng với đó, các đề tài khoa học của chị được nhắc tới nhiều nhất là “Nghiên cứu sử dụng Bacillus subtilis làm chế phẩm phòng và điều trị bệnh Tai - Mũi - Họng thông thường”; "Nghiên cứu chế tạo bộ thử nghiệm phát hiện Staphylococcus aureus đề kháng methicillin (MRSA)" thuộc Chương trình Vườn ươm của Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh...
Tự nhận mình là người khắt khe trong nghiên cứu khoa học, bởi đó không chỉ là cái nghiệp mà còn là đam mê và hạnh phúc. Đến nay, TS Đỗ Thị Hồng Tươi đã đóng góp cho khoa học trong nước và thế giới 7 đề tài các cấp ở vai trò Chủ nhiệm và hơn 38 bài báo khoa học. Với những thành tích nghiên cứu và giảng dạy của mình, TS Đỗ Thị Hồng Tươi đã được phong hàm PGS trong năm 2015 khi mới 34 tuổi và trở thành một trong 2 nữ PGS trẻ tuổi nhất nước năm 2015. Thành công như vậy nhưng chưa một lần chị nghĩ đến việc tìm cơ hội ra nước ngoài làm việc, dẫu điều kiện có thể tốt hơn nhiều. Chị bảo: “May mắn là chồng mình (một kỹ sư làm việc trong lĩnh vực dầu khí) rất ủng hộ vợ. Nhiều đồng nghiệp luôn sẵn lòng hỗ trợ khi mình cần. Nên mình muốn ở lại Việt Nam để cống hiến, góp sức xây dựng quê hương”.
Qua câu chuyện của chị được biết, chính niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã giúp chị luôn nỗ lực để vượt qua những khó khăn, nhiều lúc là chiến thắng chính bản thân mình. Và chị luôn tâm đắc với câu nói: "Con đường ngắn nhất đi đến thành công đó là sự đam mê" và xem đó như là một trong những triết lý sống của bản thân. Chị bảo: “Niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình được khơi nguồn từ sự cảm thông với những đau khổ vì bệnh tật của bệnh nhân. Mình luôn muốn tìm ra phương thức để giảm thiểu những nỗi đau đó”.
Hiện tại, PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi vẫn đang tiếp bước thầy cô của mình để khuyến khích thế hệ sinh viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học. Và niềm vui nho nhỏ của chị là năm nào cũng có những thế hệ sinh viên mình hướng dẫn đạt thành tích giỏi. Đó cũng là cách nữ PGS trẻ "thầm lặng" làm theo lời Bác.