“Phố Hàng” thứ 37 của Hà Nội

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 7 tháng đi vào hoạt động, Phố Sách Hà Nội đang có những bất cập như: Lượng khách đến ngày càng ít, các hoạt động văn hóa đọc chưa phát triển…

Không đợi đến đơn kiến nghị của nhà sách, Sở TT&TT Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm mới đi tìm giải pháp. Hai tháng nay, các đơn vị này đã lắng nghe, tìm cách tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp lên cơ quan cấp trên nhằm phát huy địa chỉ văn hóa không chỉ dành riêng cho những người mê đọc Hà Nội này.
Nơi đọc sách không chỉ để mua bán

Trước Phố Sách 19 tháng 12, Hà Nội có phố Đinh Lễ, đường Láng… dành cho người mua sách. Cho dù công nghệ 2.0, rồi 3.0 hay vươn đến 4.0, điện thoại smartphone lấn lướt văn hóa đọc, thì trên những con phố này không thiếu cảnh khách rời cửa “tay xách nách mang” túi to túi nhỏ toàn sách. Cho dù sách không còn là thứ khó tìm đến mức độc giả "túm năm tụm ba" vào một cuốn sách cùng đọc, rồi truyền tay nhau đọc như… ngày xưa. Nhưng sách vẫn không hết thời. Bằng chứng là ngày khai trương Phố Sách đầu tiên, người Hà Nội hào hứng, kéo nhau đi ngắm phố đến tắc đường như một minh chứng cho tình yêu sách vẫn còn.
Phố sách Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải.
Phố Sách hiện đại và hài hòa. Hai bên tuyến phố là 16 gian hàng sách của các nhà xuất bản, công ty sách uy tín trong nước. Ở khoảng không gian giữa các quầy sách đều có cây xanh và các hàng ghế để người dân nghỉ ngơi, thư giãn. Chính giữa Phố Sách là quảng trường nhỏ để tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách. Rồi hàng loạt các tiện ích như trạm thông tin tra cứu điện tử, điểm bán hàng tự động, khu vực cà phê - sách, quầy bán hoa tươi và đồ lưu niệm, wifi miễn phí... đều được tính đến khi thiết kế và thi công. Với những người yêu Hà Nội, coi Phố Sách là “Phố Hàng” thứ 37, sau tên gọi của 36 phố phường đã đi vào sử sách của ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.

Nhưng rồi, sau 7 tháng hoạt động, Phố Sách gặp khó. “Mức doanh thu tại Phố Sách giảm từ 125 triệu đồng/gian/tháng xuống chỉ còn khoảng 50 triệu đồng/gian/tháng. Khách đến giảm dần, Phố Sách bỗng chốc đìu hiu. Sự kiện tổ chức ngày càng ít” - ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Alpha Books bày tỏ. Chính vì vậy, 16 nhà sách ở đây đã gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng xin thành lập Công ty Phố sách Hà Nội theo mô hình DN xã hội phi lợi nhuận nhằm phối hợp tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc, bao gồm các chuỗi sự kiện, giao lưu tác giả - tác phẩm, triển lãm…, thành lập Ban điều hành Phố Sách với sự tham gia của những người am hiểu về xuất bản; thành lập nhóm chuyên trách làm truyền thông cho Phố Sách... Hay những kiến nghị mang tính đời sống nhất như: Hỗ trợ âm thanh, loa đài, khắc phục mùi hôi từ cống thoát nước. Tất cả những kiến nghị này của các nhà sách không chỉ vì mục đích đảm bảo doanh thu, mà là duy trì và phát triển một địa chỉ văn hóa cho Hà Nội.

Mọi so sánh đều khập khiễng

Trong khi Phố Sách Hà Nội gặp khó, đường sách TP Hồ Chí Minh lại đạt doanh thu và số lượt khách tham quan mua sắm ngày càng tăng, từ 27 tỷ đồng, 1,5 triệu lượt khách (năm 2016), lên tới 50 tỷ đồng, 2,4 triệu lượt khách (năm 2017). Con số này khiến nhiều người có sự liên tưởng. Tuy nhiên, theo bà Trần Phương Thảo – Phó Tổng Giám đốc Thái Hà Books, không nên so sánh Phố Sách Hà Nội với phố Đinh Lễ và càng không nên so sánh phố sách Hà Nội với đường sách TP Hồ Chí Minh.

Hơn nữa, theo phân tích của những người am hiểu tâm lý đọc sách của người Hà Nội thì thời tiết Thủ đô khá đặc thù, khắc nghiệt ảnh hưởng đến tâm lý đi xem và chơi sách. Tháng 11 và tháng 12 là "điểm rớt" thấp nhất về mặt kinh doanh phát hành sách trong năm. Vì trong 2 tháng cuối năm, độc giả tập trung mua lịch và sắm Tết hơn mua và đọc sách. “Tôi đã gắn bó hơn 10 năm trong ngành xuất bản, nên hiểu vào thời điểm cuối năm cho đến sát Tết âm lịch, tất cả công ty sách đều gặp phải khó khăn trong việc phát hành sách ra thị trường và thu hồi công nợ. Nếu ngay bây giờ bạn ra các khu vực chuyên phát hành sách như Đinh Lễ, đường Láng, Trần Quốc Hoàn... bạn sẽ thấy người ta chủ yếu bày biện lịch ra ngoài để bán chứ không phải sách” – bà Thảo phân tích. Chính vì lý do này, nên tình hình kinh doanh tại Phố Sách ở thời điểm này bị chững lại cũng là điều dễ hiểu.

Theo đại diện Sở TT&TT, những kiến nghị của các nhà sách đã được Sở và UBND quận Hoàn Kiếm ghi nhận, từng bước đề xuất giải quyết. “Phố sách mới đi vào hoạt động, đương nhiên không thể tránh khỏi những khó khăn nhưng cá nhân tôi rất ghi nhận những nỗ lực làm việc của các cán bộ, nhân viên Sở TT&TT, UBND quận Hoàn Kiếm. Mô hình Phố sách Hà Nội còn mới, các gian hàng và cơ quan quản lý đã có cố gắng rất lớn, tuy nhiên cũng giống như một cái cây, để phát triển chúng ta cần đầu tư cả về thời gian, không thể dục tốc bất đạt” – bà Thảo bày tỏ. Chính vì sự lắng nghe, cùng tìm cách tháo gỡ của cơ quan quản lý và nhà sách, nên tạo được sự tin tưởng với những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản cũng như công chúng: Phố Sách sẽ đông trở lại từ sau Tết Nguyên đán 2018.

"Không nên so sánh Phố sách Hà Nội với phố sách Đinh Lễ, bởi đây là hai điểm kinh doanh có tính chất hoàn toàn khác nhau. Các đơn vị kinh doanh sách tại Đinh Lễ đơn thuần làm thương mại, phát hành, nhập sách từ các đơn vị xuất bản rồi bán, còn Phố sách Hà Nội là điểm sinh hoạt văn hóa. 80% các đơn vị ở đây là các đơn vị xuất bản, có mối quan hệ với các tác giả, dịch giả để tổ chức sự kiện. Cũng không nên so sánh Phố sách Hà Nội với đường sách TP Hồ Chí Minh về mặt doanh thu. Thị trường Hồ Chí Minh luôn gấp 1,5 lần thị trường Hà Nội, do địa bàn rộng và người dân đông đúc hơn, thời tiết vùng miền khác nhau, văn hóa đọc khác nhau. Thông thường khi chúng tôi xuất bản 3.000 cuốn sách thì thị trường Hồ Chí Minh bao giờ cũng tiêu thụ khoảng 2.000 hoặc thậm chí là hơn con số đó” – Phó Tổng Giám đốc Thái Hà books Trần PhươngThảo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần