Phó Thủ tướng kiểm tra tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển

Linh Đan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/5, tại Cà Mau, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh và làm việc với các bộ, ngành, các tỉnh ĐBSCL về giải pháp cho vấn đề này.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nghe báo cáo của các địa phương, đánh giá nguyên nhân, những điểm còn tồn tại hạn chế trong việc triển khai các giải pháp ứng phó thời gian qua. Các đại biểu dự họp cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục hiệu quả tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển trong thời gian tới.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiếm 13% diện tích toàn quốc, với dân số gần 20 triệu người, là trung tâm sản xuất nông nghiệp của nước ta.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Tuy nhiên, khu vực đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức trong quá trình phát triển bền vững. Tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, nguồn nước sinh hoạt của nhân dân, nhất là đối với các tỉnh ven biển. Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển xảy ra ở hầu hết các địa phương trong vùng. Theo thống kê thì cả 13 địa phương trong vùng đều xảy ra sạt lở, với trên 400 khu vực sạt lở ở quy mô, mức độ khác nhau, tổng chiều dài gần 900km, trong đó sạt lở bờ biển là trên 310km. Riêng tỉnh Cà Mau có tới trên 150 km bờ biển và 100km bờ sông, kênh rạch bị sạt lở.

Những năm qua, Trung ương đã hỗ trợ kinh phí để xử lý sạt lở thông qua ngân sách hằng năm; thông qua các Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển (từ năm 2010 đến nay); các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý nhiều khu vực sạt lở nguy hiểm, cả kè bằng vật liệu cứng và vật liệu mềm, trồng, khôi phục rừng ngập mặn; tổ chức di dân ra khỏi những vùng sạt lở, rừng đặc dụng.

Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, các tỉnh đã thực hiện xử lý sạt lở 12 đoạn bờ biển (37km); trồng được 2.593ha rừng ngập mặn thuộc 7 tỉnh ven biển, trong đó trồng mới là 1.967ha, khôi phục là 626ha.

Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng tình với ý kiến của các bộ, ngành, lãnh đạo UBND các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, có thể kể đến những nguyên nhân khách quan như tình trạng mất cân bằng bùn cát do việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển đã làm giảm đáng kể lượng bùn cát; địa chất vùng ven biển ĐBSCL rất yếu, được cấu tạo từ các dạng trầm tích phù sa, rất dễ bị xói lở do tác động của sóng và dòng ven bờ; nước biển có xu thế ngày càng dâng cao, trong vòng 20 năm qua, trung bình nước biển dâng cao từ 2 - 3 mm/năm...

Nguyên nhân chủ quan là tình trạng chặt phá rừng ngập mặn để nuôi trồng hải sản, đánh bắt thủy sản ven rừng trong những năm gần đây làm suy thoái nghiêm trọng rừng ngập mặn; xây dựng nhiều nhà ở, công trình hạ tầng ven biển, đê bao, bờ bao quá sát đường bờ biển đã làm gia tăng nguy cơ gây xói lở bờ biển; lún sụt đất do việc khai thác nước ngầm quá mức để nuôi trồng thủy, hải sản, nhất là ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Theo báo cáo sơ bộ của Viện Địa chất Na Uy, tốc độ lún sụt trong vài năm gần đây khoảng 3 cm/năm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước mắt, UBND các tỉnh phải nắm chắc diễn biến, ứng phó kịp thời, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản của người dân.

Các địa phương phải có phương án sơ tán kịp thời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, gia cố các khu vực sạt lở, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tại những khu vực đang có sạt lở bờ biển phức tạp; tổ chức kiểm tra, rà soát việc giao đất, giao rừng và quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, ngăn chặn và xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển rừng ngập mặn, nhất là các khu vực nuôi trồng thủy sản, đồng thời huy động các nguồn lực đẩy mạnh việc trồng, phục hồi rừng phòng hộ ven biển.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động phòng chống thiên tai nói chung và phòng chống sạt lở bờ biển nói riêng để giảm các tác động tiêu cực gây sạt lở bờ biển; thực hiện nghiêm công tác quản lý bờ biển, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành động xây dựng công trình, nhà ở, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp.

Đối với những khu vực sạt lở, nếu cần thiết phải xây dựng công trình để bảo vệ bờ, đề nghị sắp xếp thứ tự ưu tiên, xây dựng phương án cụ thể, huy động các nguồn lực hợp pháp của địa phương để tổ chức xử lý, trường hợp vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng, chống thiên tai phối hợp với các bộ và các địa phương hoàn thiện các nghiên cứu về phòng chống xói lở bờ biển. Chủ trì hướng dẫn các địa phương về giải pháp kỹ thuật, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp mềm phù hợp với điều kiện từng vùng, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là những nơi có địa chất mềm yếu, diễn biến dòng chảy phức tạp như vùng ĐBSCL; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu các giải pháp chỉnh trị sông, ven biển nhằm hạn chế xói lở, bồi lấp ổn định lòng dẫn và dải ven biển, nhất là các khu vực cửa sông.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức lập quy hoạch tổng thể chỉnh trị bờ biển vùng ĐBSCL làm cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống sạt lở, hạn chế rủi ro thiên tai; xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng ven sông, ven biển gắn với sinh kế của người dân.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung xác định các cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp hơn với thực tế; rà soát hệ thống quan trắc về thủy, hải văn vùng ĐBSCL và trên phạm vi toàn quốc; tổ chức theo dõi và đánh giá hằng năm về tổng lượng bùn cát đến từ thượng nguồn và tổng lượng cát khai thác trong vùng ĐBSCL làm cơ sở đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế nguy cơ suy thoái lòng dẫn, suy kiệt dòng chảy; chỉ đạo rà soát các hoạt động khai thác cát sỏi ở lòng sông, ven biển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nghiêm cấm việc khai thác cát, sỏi tại các khu vực trọng điểm đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách và nguồn vốn ODA tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là vùng ĐBSCL.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần