Ngày 22/8, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, nội dung chất vấn liên quan đến việc đảm bảo cân bằng, thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật cần được trả lời rõ hơn.
Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã đưa ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc cần sửa đổi luật thời gian qua, trong đó phần nguyên nhân chủ quan được nêu ra là do “anh em chưa chủ động”.
Đại biểu cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào nguyên nhân thực tế này, cụ thể là năng lực và tính chuyên nghiệp của bộ máy tham gia xây dựng pháp luật để có những giải pháp thiết thực…
Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tại Kỳ họp thứ 8 tới của Quốc hội, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 25 dự án Luật và thông qua 12 dự án Luật.
Tuy nhiên cho đến hiện nay, Chính phủ vẫn đang tiếp tục đề nghị bổ sung thêm vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất nhiều dự án luật khác… Đến thời điểm này, các cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội thậm chí còn chưa biết sẽ sửa đổi, bổ sung những nội dung gì.
Đại biểu bày tỏ quan ngại về chất lượng các dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua với khối lượng công việc lớn như vậy, khi nguyên nhân chủ quan đã được nêu ra có liên quan đến vấn đề về năng lực của bộ máy tham gia xây dựng pháp luật. Đặc biệt, với thông tin Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có thể sẽ đề nghị trình Quốc hội ngay trong năm 2024 này.
Đại biểu cho rằng, vấn đề này cần phải được nghiên cứu, đánh giá một cách hết sức kỹ lưỡng, thận trọng để tránh những bất cập, vướng mắc.
Còn hạn chế trong dự báo, nắm bắt trước thay đổi về kinh tế - xã hội
Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thông tin, năm 2021, Chính phủ trình đưa vào chương trình ban đầu 10 dự án Luật, sau đó bổ sung 1 thành 11 dự án Luật. Năm 2022, trình 11 dự án Luật, bổ sung 13 dự án Luật thành 24. Năm 2023, trình ban đầu 14 dự án Luật, bổ sung 12 thành 26 dự án Luật. Năm 2024, trình ban đầu 16 dự án Luật, nếu được Quốc hội chấp thuận thì lên 34 dự án Luật.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, với số liệu như vậy cho thấy số lượng luật trình Quốc hội thay đổi rất lớn. Nếu so sánh với trung bình hằng năm của các nhiệm kỳ trước là khoảng 25-29 dự án Luật. Trong khi, các đề xuất, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hầu hết vào thời điểm sát với kỳ họp.
Nêu nguyên nhân của việc bổ sung nhiều dự án Luật, Phó Thủ tướng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng và khả năng dự đoán, nắm bắt trước tình hình có hạn. Về giải pháp, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; tăng cường vấn đề cơ bản nhất là chất lượng nguồn nhân lực; xem xét sửa đổi bổ sung pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Liên quan chất vấn của đại biểu Nguyễn Phương Thủy về tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, từ đó Chính phủ đã có định hướng về xây dựng luật, pháp lệnh; đến hiện tại đã hoàn thành hơn 80% dự án luật, pháp lệnh của chương trình cả nhiệm kỳ.
Thời gian qua, Chính phủ đề xuất trình bổ sung 17 dự án mới vào định hướng Chương trình, nhưng vẫn chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh. Qua rà soát, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo rà soát, tổng hợp từ các nguồn khác nhau và dự kiến trình Quốc hội thông qua một số luật.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua 2 luật để sửa đổi, bổ sung các luật khác nhau. Dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan để thực hiện Luật Quy hoạch. Nội dung này sẽ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo.
Nhóm thứ hai là sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán, Luật Dự trữ quốc gia, Kiểm toán độc lập và chứng khoán. Nội dung này sẽ giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng nêu lý do dẫn tới việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một phần để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; nhưng cũng một phần có nguyên nhân chủ quan là chưa chủ động và nhận thức chưa hết của các bộ, ngành.