Thông tin cập nhật tại cuộc họp cuối giờ chiều nay (23/9), đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 18 giờ, vị trí tâm bão số 6 cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 200km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.
Thống kê từ các địa phương cho thấy, vẫn còn 21 tàu, thuyền của các tỉnh, TP: Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi hoạt động trong vùng nguy hiểm. Lực lượng biên phòng tuyến biển đã cùng gia đình các chủ tàu thường xuyên liên lạc, kêu gọi các phương tiện di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.
Nhận định từ cơ quan khí tượng cũng nhấn mạnh, bão số 6 đang di chuyển vào đất liền rất nhanh. Chính vì vậy cần đặc biệt đề phòng gió mạnh và mưa lớn trên làm gia tăng nguy cơ ngập lụt vùng đô thị, vùng trũng thấp và lũ quét, sạt lở đất ở miền núi.
Đại tá Trần Thái Bình - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: Rút kinh nghiệm từ các cơn bão trước, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng tuyến biển và biên giới chủ động xây dựng phương án phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt là ở những nơi trong các cơn bão vừa qua có dấu hiệu mất an toàn để chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó. Các đơn vị hiện nay cũng đã sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để thường trực ứng cứu khi có điều động.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam khẩn trương hướng dẫn các phương tiện thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão số 6, thường xuyên giữ liên lạc để chủ động hỗ trợ ngư dân khi có tình huống xấu. Bên cạnh đó, cần hết sức chú ý đảm bảo an toàn cho người dân tại những khu vực có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, cũng như sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương ngay trong đêm nay, phải phải kêu gọi vào bờ hoặc hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi tránh trú an toàn. Trực ban thiên tai ở các địa phương phải duy trì 24/24h để nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời, từ đó nhanh chóng ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra.
“Trong thời điểm này, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ càng gia tăng mức độ nguy hiểm của thiên tai. Vì vậy, công tác phòng, chống bão số 6 đòi hỏi những yêu cầu cao hơn. Các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, phải rất căn cơ, sơ xảy là có thể thiệt hại gấp nhiều lần so với bình thường khi không có dịch bệnh...” – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặc biệt lưu ý.