Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Xúc tiến thương mại để giảm ùn ứ nông sản

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, để từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa, Chính phủ sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để các sản phẩm nông nghiệp sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 8/6, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Kích hoạt nguồn vốn xã hội là điều vô cùng quan trọng

ĐB Bế Trung Anh (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Trà Vinh) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Bế Trung Anh (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Trà Vinh) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời câu hỏi về các mối liên kết trong việc phát triển dựa trên niềm tin, vận dụng vốn xã hội trong phát triển nông nghiệp của ĐB Bế Trung Anh (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Trà Vinh) đã đặt ra từ chiều 7/6, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, niềm tin của người dân, hay vốn xã hội đều là thứ vô hình, nhưng là nguồn vốn để phát triển quan trọng không kém những nguồn lực vật chất, hữu hình. Nếu biết chuyển hóa thì sẽ tạo ra giá trị hữu hình rất lớn.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Bộ trưởng, vốn xã hội, niềm tin của người dân, sự cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh, làm nên thành công trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Vì vậy, việc kích hoạt được nguồn vốn xã hội là điều vô cùng quan trọng. Bộ NN và PTNT đã có định hướng, chiến lược xây dựng những thiết chế xã hội nông thôn, những nhóm nghề nghiệp, nhóm xã hội, chính quyền cấp cơ sở tạo mạng lưới xã hội tham gia sâu vào sự phát triển ở địa phương. Qua đó nâng cao tính tự chủ, tự lực của người dân, giữ vững niềm tin và sự cố kết xã hội, tạo sự chia sẻ và tin tưởng giữa các thành phần doanh nghiệp và người dân, giúp nhanh chóng hồi phục sau những đứt gãy xã hội, đứt gãy chuỗi cung ứng.

ĐB Thổ Út (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Thổ Út (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến vấn đề giá cả, thị trường nguồn nguyên liệu đầu vào mà ĐB Thổ Út (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đã hỏi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo nhiều hội nghị để siết chặt công tác quản lý thị trường, chỉ đạo các hệ thống, các hiệp hội ngành hàng tháo gỡ khó khăn, góp phần giảm đà tăng giá.

Thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ trong nông nghiệp, nghiên cứu các quy trình sản xuất nông nghiệp giảm sử dụng nguyên liệu, vật tư đầu vào; nghiên cứu các nguyên liệu, vật tư thay thế phù hợp.

ĐB Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến câu hỏi của ĐB Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh) về tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng cho biết, trong thị trường tiêu thụ nội địa, giá nông sản tăng, giảm không ổn định do phụ thuộc lớn vào tình hình xuất khẩu (đặc biệt tại các tỉnh phía Nam). Hoạt động sản xuất và kết nối tiêu thụ bắt đầu phục hồi sau dịch nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Năng lực của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã khi tham gia liên kết chuỗi giá trị còn hạn chế về vốn, kỹ năng, thị trường,… nên khó tham gia hoặc trụ vững tại các kênh tiêu thụ hiện đại và các kênh thương mại điện tử. Bộ đang từng bước tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng.

Nhanh chóng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Tham gia giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà các ĐB Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam có một bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay, từ sản xuất đủ ăn đáp ứng được nhu cầu của người dân cho đến xuất khẩu đạt tỷ trọng cao. Diện mạo của nông thôn thay đổi nhanh chóng, đời sống Nhân dân được cải thiện hết sức rõ rệt.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình với nhận định của một số ĐB rằng hiện nay ngành nông nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững và người dân yên tâm sản xuất, trách nhiệm này thuộc về các bộ, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, trước hết là Bộ NN và PTNT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành. Bộ trưởng cho rằng, cần căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, thay đổi ngay tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hiệu quả cao; không tối đa hóa sản lượng mà tối ưu hóa giá trị…

Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn

Báo cáo về một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực. Các lĩnh vực đều có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành báo cáo một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành báo cáo một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Trong đó, nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản tăng 16,8% các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Tiếp tục duy trì xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới; xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới; xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản đạt 4,79 tỷ USD tăng 46,3% xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD tăng 6,9% đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, nền nông nghiệp nước ta có đặc thù là sản phẩm rất đa dạng, phong phú như lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi thủy hải sản nhưng việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao.

Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện của thị trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp. Chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi nguyên liệu sản xuất, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp còn rất thấp, chỉ bằng 50%-60% của các nước tiên tiến. Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%; phân bón nhập khẩu tới 42%. Tình trạng được mùa, mất giá, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên…

Về một số giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh trước hết là các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cần tập trung cao và thực hiện thật tốt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thông qua về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai.

Đồng thời, cho biết Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất là đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp từ khâu đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn.

Thứ hai là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để các sản phẩm nông nghiệp sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa.

Thứ ba là hỗ trợ tín dụng miễn giảm các loại phí thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Thứ tư là rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu, chế biến thức ăn, gia súc, thức ăn chăn nuôi. Từ đó quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi.

Thứ năm là tập trung chỉ đạo, tổng kết đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai xây dựng cơ chế chính sách, phát huy nguồn lực đất đai, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.