Phó Thủ tướng: “Muốn đi nhanh, đi xa và quan trọng là đi về đích thì phải đi cùng nhau”

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Người Việt Nam hoàn toàn có thể gây ngạc nhiên cho thế giới trong phát triển kinh tế thì không chỉ phải đi cùng nhau mà còn phải hợp tác với các quốc gia khác trong dòng chảy đa phương, cân bằng thương mại”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP

Ngày 4/12 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phối hợp với WB tại Việt Nam và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam lần thứ 2 năm 2018 với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - Chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Diễn đàn, với sự tham dự của 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện các sứ quán, các tổ chức, doanh nghiệp ở trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, việc tổ chức thành công Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế lần thứ nhất năm 2017 đã tạo ra cơ sở quan trọng để lãnh đạo Chính phủ đưa ra các định hướng triển khai công tác hội nhập kinh tế 2018, trong đó có Chỉ thị số 26/TT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.
Từ đó đến nay, Việt Nam đã có một năm sôi động với các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, nổi bật là Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thành đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại mới, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, vẫn còn một số tồn tại như một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế, có khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế; chưa tận dụng được hết các cơ hội do các hiệp định FTA mang lại.
Trong vòng một năm trở lại đây, kinh tế toàn cầu có một số dấu hiệu thay đổi, theo hướng phức tạp và khó dự đoán hơn. Do đó, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần phải sớm có những phân tích, dự báo và động thái chính sách để giảm thiểu những tác động tiêu cực và chủ động có những giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Bày tỏ đồng tình với những nhận định, khuyến cáo của các chuyên gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần “tích cực, chủ động hội nhập với bên ngoài theo đúng chủ trương của Đảng và cải cách thể chế mạnh mẽ từ bên trong để tiếp tục hội nhập thành công, củng cố nội lực quốc gia, khơi dậy khát vọng và nỗ lực sáng tạo của cá nhân, nâng cao sức mạnh tổng thể của quốc gia, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm”.
Đây là mục tiêu “bất biến” để “ứng vạn biến” với những thách thức từ tình hình thương mại đầu tư quốc tế, sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, biến thách thức thành cơ hội và tận dụng triệt để những cơ hội từ bên ngoài mang lại.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải giải quyết đồng bộ các vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế ở trong nước trong dài hạn, định vị được vị trí của Việt Nam trên toàn cầu và hướng phát triển trong tương lai.
Để có những bước đi vững chắc trong dài hạn, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đặt nhiệm vụ ổn định vĩ mô lên hàng đầu, gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là hệ thống tài chính và ngân hàng, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng.
Đồng thời xác định chiến lược phát triển của Việt Nam hiện nay và những năm tới thông qua các động lực tăng trưởng mới gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 và lợi thế của đất nước như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, đô thị thông minh, các ngành dịch vụ phát triển trên nền tảng công nghệ như thương mại điện tử, logistics, chuỗi cung ứng và vận tải thông minh, công nghệ tài chính…
“Muốn đi nhanh, đi xa và quan trọng là đi về đích thì phải đi cùng nhau. Người Việt Nam hoàn toàn có thể gây ngạc nhiên cho thế giới trong phát triển kinh tế thì không chỉ phải đi cùng nhau mà còn phải hợp tác với các quốc gia khác trong dòng chảy đa phương, cân bằng thương mại”, Phó Thủ tướng bày tỏ.