Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng nhắc nhở Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện quy định để mua thuốc, vật tư với đúng giá trị thật

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế liên quan đến xã hội hóa y tế, giá dịch vụ y tế và kiểm soát giá thuốc.

Toàn cảnh cuộc họp.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Y tế cùng Bộ Tài chính xem xét lại giá dịch vụ y tế ban hành tại Thông tư 37. Trước đây, giá dịch vụ y tế quá thấp, nhiều năm không điều chỉnh, nhưng khi điều chỉnh tại Thông tư 37 thì lại quá đà, đặc biệt lưu ý nhóm dịch vụ y tế kỹ thuật cao, nhất là giá dịch vụ sử dụng thiết bị y tế xã hội hóa, không để cao hơn giá trị thực.
Báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2015, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37 quy định mức giá khám chữa bệnh BHYT thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc, với mức viện phí được điều chỉnh tăng so với trước đó. Đây là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, do chưa điều chỉnh mức đóng BHYT nên để quản lý, sử dụng quỹ có hiệu quả, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT, Bộ Y tế cũng đồng thuận điều chỉnh một số mức giá, ví dụ như giá khám bệnh và một số dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi do công suất tăng, một số xét nghiệm có chi phí vật tư giảm do đấu thầu…

Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất đến 5/2018 hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37 (giai đoạn 1); trong đó sẽ khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ y tế có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ, như X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, xét nghiệm…

Giai đoạn 2, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000 - 3.000 dịch vụ.
Về kịch bản điều hành giá năm 2018, Bộ Y tế cho biết, từ 1/7/2018 sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ y tế. Trong năm 2018 xây dựng, ban hành mức giá khám chữa bệnh, gồm chi phí trực tiếp, tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đồng), và chi phí quản lý. Dự kiến, mức giá dịch vụ y tế mới sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5 - 8%, tác động đến CPI khoảng 0,41% (do điều chỉnh theo lương cơ sở 1.390.000 đồng là 0,14%, đưa chi phí quản lý là 0,27%). Bộ Y tế cũng đưa ra kịch bản, nếu CPI chung năm 2018 tăng cao thì có thể điều chỉnh viện phí vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp.
Với mức tăng viện phí như vậy, theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến sẽ làm tăng chi quỹ BHYT khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm, song với số dư 2018 chuyển 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng thì quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối đến 2020.

Lộ trình tăng viện phí cụ thể giai đoạn 2018 - 2020 như sau: Với giá khám chữa bệnh; giá các dịch vụ dự phòng, kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn do ngân sách chi trả: Năm 2019-2020 thực hiện giá khám chữa bệnh mới, trong đó chi phí trực tiếp, tiền lương và chi phí quản lý được tính vào viện phí; Trong năm 2020 tính thêm khấu hao vào viện phí để thực hiện từ 2021 trở đi.

Với giá dịch vụ dự phòng, kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn không do ngân sách bảo đảm thì theo nguyên tắc tính đủ chi phí và có tích lũy để phát triển dịch vụ.

Trước đề xuất tăng viện phí của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tính toán lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018 - 2020 phù hợp chi tiêu theo cơ chế thị trường, tính đúng tính đủ nhưng phải hợp lý, đảm bảo kiểm soát mức chi trả, kiểm soát Quỹ Bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc, Phó Thủ tướng phê bình Bộ Y tế chậm trễ trong việc ra các văn bản pháp luật liên quan đấu thầu tập trung, đặc biệt là đàm phán giá thuốc.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, BHXH Việt Nam không chỉ mở rộng đấu thầu tập trung thuốc mà còn đấu thầu tập trung thiết bị vật tư y tế. "Bộ cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản, quy định về đấu thầu thuốc, vật tư y tế tập trung cấp quốc gia và các tỉnh để giảm giá và mua thuốc, vật tư với đúng giá trị thật. Ngay cả việc đàm phán giá cũng cần phải rõ ràng, đảm bảo minh bạch. Về nguyên tắc tài chính, chỉ khi đấu thầu không hiệu quả thì mới đàm phán giá", Phó Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và cho biết, Bộ đang khẩn trương xem xét lại danh mục giá dịch vụ y tế. Hiện tại, trong nước đang có đến 18.000 dịch vụ y tế, trong khi các nước chỉ 2.000 - 3.000 dịch vụ. Theo bà Tiến, việc quá nhiều danh mục dịch vụ cũng sẽ không thuận lợi cho giám định kiểm soát, xây dựng cơ cấu giá.