Linh hoạt trong ứng phó
Phát biểu tại Phiên Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) sáng nay (9/9), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng, cũng như Cấp cao ASEAN lần thứ 36, lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thường niên được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc AMM 53. Ảnh: Hải Minh/VGP |
Điều này một lần nữa minh chứng cho sự năng động trong hành động, linh hoạt trong ứng phó, sáng tạo trong hợp tác là những đặc trưng của ASEAN trong hơn 5 thập kỷ qua.
Mười năm qua, với tinh thần “Từ tầm nhìn đến hành động”, Cộng đồng ASEAN đã từng bước thành hiện thực. Chặng đường đầu đã hoàn thành, tạo nền tảng quan trọng cho tiến trình xây dựng Cộng đồng. ASEAN đã từng bước phát huy vai trò trung tâm trong định hình cấu trúc khu vực rộng mở và bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ.
Bước sang thập kỷ thứ 6, ASEAN đang bước vào giai đoạn tăng tốc, đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, vừa vươn tầm phát huy vai trò và vị thế ở khu vực, vừa tích cực đóng góp cho các nỗ lực vì hòa bình, ổn định và phát triển của cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, cách thức vận hành của hệ thống các quan hệ quốc tế đang dịch chuyển mạnh mẽ. Vai trò của luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương chịu nhiều thách thức. Xu thế chính trị cường quyền, toan tính vị kỷ và tính bất định trong hành xử của các quốc gia có chiều hướng gia tăng. Tiến trình toàn cầu hóa, liên kết khu vực, tự do hóa kinh tế phần nào bị chững lại. Cùng với đó là những diễn biến phức tạp của các vấn đề toàn cầu, nổi lên là dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020.
Tỉnh táo trước thách thức, chủ động trong ứng phó, gắn kết trong hành động, ASEAN đã đoàn kết, kiên định với các mục tiêu, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Quyết tâm này của ASEAN đã được thể hiện qua Tuyên bố Tầm nhìn về một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng tại Cấp cao ASEAN 36 vừa qua, Phó Thủ tướng phát biểu.
Thời gian qua, các nước ASEAN đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều nền kinh tế ASEAN có khả năng duy trì tăng trưởng dương, mặc dù thấp hơn so với mục tiêu đề ra trong năm nay. Tăng trưởng thương mại với các Đối tác được duy trì nhiều tháng qua. ASEAN cũng kịp thời tận dụng các làn sóng dịch chuyển đầu tư đến khu vực.
Quan hệ của ASEAN với các đối tác tiếp tục được củng cố và mở rộng. Số lượng các nước ngoài khu vực mong muốn tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) của ASEAN, muốn thiết lập mới hoặc đẩy mạnh quan hệ đối tác với ASEAN tiếp tục gia tăng. Trong phòng chống dịch bệnh. Tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 ở ASEAN được chữa khỏi khá cao và tỉ lệ tử vong thuộc nhóm thấp.
“Chúng ta cũng thể hiện được tâm thế vững vàng, duy trì cách tiếp cận riêng theo phương cách ASEAN để giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực trước những tác động đa chiều từ môi trường chiến lược bên ngoài, như Tuyên bố chung mà các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhất trí thông qua dịp kỷ niệm thành lập ASEAN ngày 8/8/2020 vừa qua”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tập trung ứng phó Covid-19, giữ vững an ninh và hoà bình
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần này, đại diện các nước sẽ trao đổi các biện pháp cụ thể triển khai chỉ đạo của Cấp cao ASEAN 36, tiếp tục giữ vững hợp tác và liên kết khu vực, vững vàng vượt qua thử thách, khó khăn, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra và định hướng phát triển lâu dài cho ASEAN cho giai đoạn tiếp theo.
Xác định nguy cơ dịch bệnh Covid-19 còn thường trực, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết các nước ASEAN một mặt chủ động kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh thông qua nỗ lực ngăn ngừa lây nhiễm, phát triển vắc-xin và thuốc điều trị tiếp cận rộng rãi với người dân, mặt khác, cần triển khai ngay các biện pháp hiệu quả hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả của dịch bệnh, từng bước phục hồi nền kinh tế và ổn định đời sống xã hội. Hội đồng Điều phối ASEAN sẽ thảo luận sâu rộng về thúc đẩy hiệu quả các nỗ lực và sáng kiến ứng phó Covid-19 của ASEAN.
Theo Phó Thủ tướng, để giảm thiểu hệ quả từ những biến động phức tạp của môi trường chiến lược khu vực và quốc tế, để duy trì ổn định tình hình, tập trung ứng phó dịch bệnh, ASEAN cần chú trọng củng cố các thiết chế đối thoại và hợp tác khu vực do ASEAN dẫn dắt và làm động lực.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng ASEAN sẽ tiếp tục tham gia đóng góp và phát huy vai trò trong các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
Các thách thức đối với an ninh và ổn định ở khu vực luôn hiện hữu, trong đó có các nhân tố đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và thế giới.
“ASEAN sẽ kiên định với lập trường nguyên tắc, nhấn mạnh kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thúc đẩy đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình.
ASEAN kiên định thúc đẩy triển khai đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố DOC và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại họp báo quốc tế ngày 7/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết AMM 53 dự kiến bàn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong bối cảnh việc đàm phán bị đình trệ do ảnh hưởng của Covid-19, khiến ASEAN và Trung Quốc đều “sốt ruột”. Được biết, cuộc họp về COC gần đây nhất diễn ra vào tháng 10/2019 tại Đà Lạt. Khi đó ASEAN và Trung Quốc nhất trí chuẩn bị thực hiện vòng đọc lần hai văn bản dự thảo COC.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết ASEAN và Trung Quốc gần đây có một số cuộc họp ở cấp làm việc, nhưng chủ yếu bàn cách nối lại đàm phán, hình thức đàm phán và các mục tiêu sắp tới mà không đi sâu vào nội dung.