Sáng nay (30/12), Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tổng kết 5 năm giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 ngành nội vụ”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự, phát biểu chỉ đạo. Dự tại điểm cầu TP Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Hoàn thành vượt mục tiêu được giao về tinh giản biên chế
Tại đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, giai đoạn 2016-2020, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt đời sống, KT-XH, song toàn ngành nội vụ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, được dư luận xã hội đồng tình và ghi nhận.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ Nội vụ xác định hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, đã tập trung ưu tiên thực hiện, với các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực nội vụ được điều chỉnh kịp thời và giải quyết những phát sinh, khắc phục chồng chéo, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đáng chú ý, tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, nhất là đầu mối bên trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị; việc đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương bước đầu đạt kết quả tích cực; chính sách tinh giản biên chế vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Đảng. Công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cũng có nhiều đổi mới, đạt kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới; sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã, thôn, tổ dân phố đảm bảo đúng yêu cầu của Trung ương. Công tác cải cách hành chính (CCHC) được triển khai quyết liệt, tạo chuyển biến rõ rệt; tăng ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý văn bản điện tử góp phần tích cực rút ngắn thời gian giải quyết công việc, đạt hiệu lực, hiệu quả trong quản lý. Ngoài ra, các công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản ổn định; thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức; văn thư, lưu trữ từng bước đi vào nền nếp…
Trong đó, thành công nổi bật là ngành đã hoàn thành sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và hoàn thành vượt mục tiêu Bộ Chính trị giao về tinh giản biên chế. Cụ thể, triển khai thực hiện Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 và Nghị quyết 32/NQ-CP về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, Bộ Nội vụ thực hiện sắp xếp tại 45 tỉnh, TP, kết quả: Ở cấp huyện giảm 8/713 đơn vị còn 705 ĐVHC; cấp xã giảm 557/11.160 đơn vị còn 10.603 ĐVHC; sắp xếp thôn, tổ dân phố tổng số 98.455 thôn, tổ dân phố, giảm 38.369 tổ chức so với năm 2015. Đặc biệt, về quản lý biên chế và tinh giản biên chế, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 còn 247.344 biên chế, giảm 27.504 biên chế (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Biên chế sự nghiệp năm 2021 còn 1.783.174 người, giảm 242.703 biên chế (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng. Số lượng cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cũng chỉ còn 1.031.851 người, giảm 147.290 người (tương ứng 12,49% so với năm 2015). Về thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 113/2018/NĐ-CP trong giai đoạn năm 2015-2020 là 67.218 người.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội |
Với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đã tích cực tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện tốt CCHC, đảm bảo tiến độ; thông qua một số công cụ mới để theo dõi, đánh giá công tác CCHC của các bộ, ngành, địa phương. Một số bộ, ngành, địa phương tích cực thành lập và triển khai vận hành bộ phận Một cửa để tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền, tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức giải quyết hồ sơ ngày càng được công khai, minh bạch và nhanh chóng. Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ Trung tương đến địa phương đã ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, xử lý, ký số văn bản trên môi trường điện tử, đạt hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Khắc phục ngay tình trạng chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ
Xác định phát huy những kết quả đạt được và nghiêm túc khắc phục một số hạn chế, giai đoạn 2021-2025, toàn ngành nội vụ xác định tập trung cao, quyết tâm hoàn thành thắng lợi 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025 để xây dựng chương trình công tác cho cả nhiệm kỳ, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quản lý của ngành; tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới căn bản, đồng bộ hệ thống ĐVSN công lập, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Cùng đó, sơ kết, tổng kết việc thí điểm các mô hình chính quyền đô thị, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp đặc điểm thực tiễn ở nông thôn, đô thị, hải đảo; triển khai việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và UBTV Quốc hội… Riêng năm 2021, xác định là năm đầu triển khai các Nghị quyết XIII của Đảng, Bộ Nội vụ đề ra phương châm hành động “kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”. Theo đó, toàn ngành tiếp tục nỗ lực, vượt qua thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, với 13 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành nội vụ đạt được trong 5 năm qua, chỉ rõ một số hạn chế tồn tại cần sớm khắc phục và nhấn mạnh: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2026 của Chính phủ, trong đó ngành nội vụ có nhiệm vụ quan trọng, thiết thực là xây dựng nền hành chính trong sạch, đảm bảo công khai, minh bạch, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Do đó, đề nghị toàn ngành tập trung thực hiện tốt quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kế hoạch 5 năm 2021-2026, xây dựng chương trình công tác cho cả nhiệm kỳ, trong đó lưu ý tiếp tục công tác xây dựng thể chế đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Cùng đó, Bộ Nội vụ tiếp tục đôn đốc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, trước mắt khẩn trương tham mưu Chính phủ tiến hành tổng kết chương trình này giai đoạn 2010-2020 và đề xuất nhiệm vụ về CCHC cho giai đoạn tới. Đồng thời, tập trung xây dựng đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; lưu ý rà soát điều chỉnh chức năng của các bộ, ngành, cơ quan bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, phối hợp có hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo |
Khẳng định trong bối cảnh hội nhập hiện nay cần đẩy mạnh CCHC, thúc đẩy môi trường đầu tư trong nước, ngoài nước, khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh, công tác phối hợp rất quan trọng, song song việc phải có kỷ cương, chế tài, không thể để tình trạng lòng vòng kéo dài rồi không kiểm điểm, không xử lý, không kỷ luật ai, trên nói dưới không nghe. Cùng đó, yêu cầu ngành tiếp tục xây dựng thể chế về công tác cán bộ, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC theo vị trí việc làm; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý trên các lĩnh vực, ngành, trong đó chú trọng hoàn thiện thể chế về công tác tôn giáo, hội, đoàn, quản lý các tổ chức phi chính phủ; tham mưu cho Chính phủ trong việc theo dõi thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo, đảm bảo hoạt động đúng quy định pháp luật, phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. “Xây dựng thể chế cần trên tinh thần vừa đảm bảo quản lý nhà nước vừa tăng cường đại đoàn kết dân tộc. Không thể chỉ vì quản lý nhà nước mà đề ra những điều cấm cản thì không đạt mục tiêu. Bộ cần khẩn trương xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật Dân chủ cơ sở, vì có luật này rồi thì những luật khác liên quan người dân, dân chủ cơ sở sẽ được triển khai tốt”- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị ngành nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Thi đua Khen thưởng (sửa đổi) đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sửa đổi bổ sung quy định về xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước cho phù hợp thực tiễn tôn vinh cá nhân tiêu biểu có cống hiến trong xây dựng phát triển đất nước. Đồng thời, tăng ứng dụng CNTT trong công tác văn thư-lưu trữ, bảo quản kho lưu trữ khoa học hiện đại, tổ chức tốt khai thác thu thập tư liệu lịch sử; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; thực hiện đồng bộ giải pháp phòng chống tham nhũng lãng phí; công khai minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình thực thi công vụ trong công tác tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước, trách nhiệm người đứng đầu. Trước mắt, toàn ngành cần chủ động, tích cực tham mưu Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và khẳng định sẽ chỉ đạo toàn ngành nội vụ cụ thể hóa trong chương trình công tác năm 2021, tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Bộ trưởng cũng kêu gọi đội ngũ CBCCVC toàn ngành khắc phục khó khăn, đoàn kết thống nhất, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2021 và tiếp theo.
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về khen thưởng năm 2020: Tặng Cờ thi đua của Bộ Nội vụ cho 6 đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua ngành nội vụ (Sở Nội vụ các tỉnh/TP Hải Phòng, Khánh Hòa, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Đồng Nai); tặng Bằng khen của Bộ Nội vụ cho 25 đơn vị và 51 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua ngành nội vụ.