Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu nguyên nhân chậm giải ngân vốn ODA

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/6, tại phiên chất, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư ODA còn ở mức thấp so với tình hình giải ngân nói chung. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19; năng lực giải ngân còn hạn chế…

Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn ODA?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian qua. Chính phủ có những chỉ đạo và giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn ODA trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Yên Bái) đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã có giải pháp gì để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, nhằm góp phần phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội sau đại dịch Covid-19? Đồng thời, đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ làm rõ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?

Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ)
Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ)

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) đề nghị Phó Thủ tướng trao đổi, làm rõ thêm về những hạn chế liên quan đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu nêu rõ, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng đâu đó vẫn còn lợi ích nhóm, cục bộ ngành chạy theo thành tích trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá vấn đề này như thế nào và có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?

Năng lực giải ngân vốn đầu tư ODA còn hạn chế

Trả lời tranh luận của đại biểu Cầm Hà Chung về vấn đề có hay không chuyện lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, pháp luật đã có quy định chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt liên quan đến luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cơ quan soạn thảo phải tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, đề nghị xây dựng văn bản, lấy ý kiến đánh giá tác động chính sách, tổ chức hội nghị hội thảo để đánh giá, tiếp thu. Qua quá trình đó, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến, qua thẩm định của Bộ Tư pháp để đưa ra Chính phủ…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư ODA còn ở mức thấp so với tình hình giải ngân nói chung
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư ODA còn ở mức thấp so với tình hình giải ngân nói chung

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nếu tuân thủ quy trình thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách nghiêm túc sẽ không có hiện tượng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Chính phủ đã đề ra những quy định, có những nhóm giải pháp như minh bạch hóa, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò của ban soạn thảo theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội, củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả của các cơ quan pháp chế thuộc các Bộ.

Về các câu hỏi liên quan đến vấn đề giải ngân nguồn vốn ODA, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, đây là nguồn vốn hết sức quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, là nguồn lực huy động hết sức cần thiết, không dễ tiếp cận. Việc chúng ta vẫn huy động được nguồn vốn ODA cho thấy việc sử dụng nguồn vốn này của chúng ta đang được đánh giá là hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, việc giải ngân vốn đầu tư ODA còn ở mức thấp so với tình hình giải ngân nói chung. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; thủ tục, quy trình giữa chúng ta và các nhà tài trợ có nhiều khác biệt; vấn đề giải phóng mặt bằng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa hiệu quả; năng lực giải ngân còn hạn chế…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến nguồn vốn này, tăng cường rà soát các thủ tục, hài hòa hóa các thủ tục với các nhà tài trợ, điều chỉnh thủ tục giải ngân vốn ODA, xem xét điều chuyển nguồn vốn để nâng cao hiệu quả trong việc thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA.