Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng: Tiếp thu ý kiến, sửa đổi toàn bộ quy định thu hồi đất

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 6/4, tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu tiến hành thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đã có 11.685.461 lượt ý kiến góp ý Dự Luật

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo luật được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà báo cáo tại hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà báo cáo tại hội nghị

Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề sau: Bồi thường, hỗ trợ tái định cư (1.159.990 ý kiến); Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (1.004.674 ý kiến); Tài chính đất đai, giá đất (979.736 ý kiến); Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (951.748 ý kiến); Chế độ sử dụng đất (915.486 ý kiến); Thu hồi đất, trưng dụng đất (888.018 ý kiến); Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận (881.021 ý kiến); Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (871.653 ý kiến).

“Theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ đã ban hành văn bản đề nghị nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo luật đến khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)”- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thông tin.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã báo cáo các nội dung lớn cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện vào dự thảo luật.

Về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung theo hướng nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện an sinh xã hội.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Phó Thủ tướng cho biết, Dự thảo Luật đã làm rõ khái niệm thế nào là vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó, liệt kê quy định các trường hợp thu hồi đất đối với công trình công cộng, từng lĩnh vực thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật sự cần thiết khác như dự án nhà ở xã hội, công trình xã hội hóa, dự án đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và những lĩnh vực thiết yếu.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, sửa đổi luật theo hướng bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất (cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư…).

Về chế độ sử dụng các loại đất, ý kiến đóng góp tập trung vào thời hạn sử dụng đất, đất nông nghiệp, đất cho hoạt động khoáng sản, đất lâm nghiệp, đất chăn nuôi tập trung cho công nghệ cao, đất có mặt nước ven biển, đất tôn giáo… Ban soạn thảo đã nghiên cứu đưa đất công do nhà nước quản lý, trong đó có đất an ninh - quốc phòng, để có chế độ quản lý đất công đặc thù.

Xác định rõ các loại dự án

Các đại biểu Quốc hội bày tỏ cơ bản thống nhất với nhiều điểm mới đã được bổ sung, tiếp thu trong Dự Luật, đồng thời nhận định, đối với quy định về thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nếu áp dụng trong thực tiễn thì quy định như Dự Luật là chưa phù hợp.

Thời gian thông báo 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp là quá dài, trong khi mục đích việc thông báo thu hồi là để người sử dụng đất biết được quyền sử dụng đất của mình sẽ bị thu hồi để thực hiện công trình, dự án. Việc kéo dài thời gian thông báo thu hồi không có tác dụng để người sử dụng đất đồng thuận chủ trương thu hồi. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét để rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất, có thể khoảng 45 ngày với cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) nêu ý kiến
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) nêu ý kiến

Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho biết, cơ chế thu hồi đất trong Dự thảo Luật phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án hiện nay.

Muốn làm được điều đó, phải có cơ chế thu hồi đất, triển khai dự án thuận lợi. Do đó, đại biểu cho rằng, phải xác định rõ các dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ, các dự án có quy mô sử dụng đất từ bao nhiêu hecta trở lên. Ngoài các trường hợp quy định Nhà nước thu hồi đất, đại biểu đề xuất những dự án đô thị, dự án thương mại, dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100ha trở lên, nên giao nhà nước thu hồi đất chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận. Nếu thực hiện thỏa thuận thì cần có cơ chế kiểm soát.

“Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm lợi ích cuộc sống và sinh kế của người dân khi thu hồi đất song người dân cũng có nghĩa vụ nhường đất cho các dự án để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Điều đó cũng thể hiện rõ nguyên tắc Hiến định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu, người dân được giao quyền sử dụng và được thực hiện một số quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật”- đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói.

Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) phát biểu thảo luận
Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) phát biểu thảo luận

Đề cập quyền và trách nhiệm của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) cho rằng dự thảo đã thể hiện rõ hơn. Tuy nhiên, pháp luật đất đai hiện hành lại chưa có các quy định cụ thể để điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đối với từng loại dự án bị tác động bởi các yếu tố đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng, quy hoạch hay chuyển mục đích sử dụng đất. Đặc biệt tại các dự án thu hồi đất dưới dạng tuyến luôn tạo ra bất bình đẳng giữa những người dân phải di dời để triển khai dự án với người dân không phải di dời.

Những người dân bị di dời được bồi thường đôi khi không thỏa đáng, mất việc làm, sinh kế bị ảnh hưởng và hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ dự án do bị di dời, trong khi đó giá trị đất đai của các hộ dân không bị di dời có giá trị tăng thêm rất lớn. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có những quy định điều tiết phần giá trị tăng thêm này để chia sẻ lợi ích với các bên, nhất là đối với người có đất bị thu hồi thuộc diện phải di chuyển” – đại biểu Lê Thị Song Mai băn khoăn.

Đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể, cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất hoặc là giao cho Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết, cụ thể để tăng tính khả thi của quy định trong thực tế.

Sáng 7/4, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ tiếp tục thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).