15/15 chỉ tiêu ngành nông nghiệp đạt và vượt
Thông tin tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, Bộ đã hoàn thành tốt công tác tham mưu xây dựng chiến lược quy hoạch và phát triển ngành giai đoạn 2016 - 2020 và hai năm 2021, 2022. Năm 2022, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2,62%; riêng năm 2022 là 3,36%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 năm (2016 - 2022) đạt trên 292,5 tỷ USD, trong đó năm 2022 là 53,5 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng tăng dần qua các năm, đến năm 2022 đạt 42,02%.
Về xây dựng nông thôn mới, đến năm 2022, cả nước đã có 73,06% tổng số xã và 255 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người nông dân đến hết năm 2022 đạt 47,2 triệu đồng/người/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hoá, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Bên cạnh đó, hệ thống sản xuất - kinh doanh từng bước được hoàn thiện, phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng mạnh, dần khẳng định vai trò trung tâm trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã và đang chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá. Quá trình phát triển còn nhiều yếu tố chưa bền vững. Cơ cấu lao động nông nghiệp chuyển dịch chậm. Thị trường xuất khẩu còn khó khăn do nhiều nước bảo hộ sản xuất. Đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số chưa trở thành động lực cho phát triển…
Kiến nghị các bộ tăng đầu tư cho nông nghiệp
Liên quan đến nhiệm vụ trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng. Cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản và thâm nhập thị trường mới.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp gắn vơi quá trình chuyển đổi số, kinh tế số. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…
Để thực hiện được mục tiêu phát triển nông nghiệp giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là chỉ đạo các Bộ có bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ “Tăng đầu tư ngân sách Nhà nước giải đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp hai lần giai đoạn 2011 - 2020” theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong giai đoạn vừa qua. Thành quả đó tiếp tục khẳng định ngành nông nghiệp đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế nói chung.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, với vai trò lớn của ngành nông nghiệp, các bộ ngành cần có sự chia sẻ để hỗ trợ ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới; mà trước mắt là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã được Bộ NN&PTNT thẳng thắn chỉ ra, đề xuất.
Đồng tình với 9 nhiệm vụ giải pháp mà ngành nông nghiệp đã đề ra trong năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý Bộ NN&PTNT cần có sự sắp xếp theo thứ tự ưu tiên; từ đó xây dựng kế hoạch, có giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai hiệu quả.
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá có nhiều vấn đề thuộc về nội tại và thuộc về cơ chế phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với các bộ ngành. Chính vì vậy, một mặt Chính phủ sẽ đồng hành, mặt khác Bộ NN&PTNT cũng cần chủ động trong phối hợp, thảo luận tìm hướng tháo gỡ với các bộ ngành…
Một số mục tiêu phát triển đến năm 2025 của ngành nông nghiệp:
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 2,5 - 3%. 80% tổng số xã và 50% tổng số huyện của cả nước và 15 tỉnh, TP về đích nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người nông dân tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản và thuỷ sản đạt 54 - 55 tỷ USD…