Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Khẩn trương sơ tán người dân chống bão số 13

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thực tế khi bão đổ bộ thì thiệt hại không lớn, nhưng hoàn lưu sau bão lại gây thương vong nghiêm trọng. Điển hình như thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế thời gian qua. Do đó, các địa phương không được phép chủ quan” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã nhấn mạnh như trên tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 13, diễn ra sáng 13/11.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 13 vào sáng 13/11
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các tỉnh khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề từ các cơn bão, áp thấp nhiệt đới suốt từ cuối tháng 9/2020 đến nay. Bão số 13 dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến các tỉnh miền Trung. Chính vì vậy, công tác ứng phó cần được tập trung cao độ.
Nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là đảm bảo an toàn trên biển. “Dù các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Định đã có báo cáo khá chi tiết về công tác ứng phó. Tuy nhiên, cần thường xuyên rà soát, kiểm đếm lại tất cả tàu thuyền. Khẩn trương đưa phương tiện ra khỏi vùng nguy hiểm, vào khu tránh trú bão an toàn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với phương tiện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý cần bảo đảm an toàn cho người dân và thuyền viên. Tập trung sơ tán người dân khỏi lồng bè, cơ sở kinh tế trên biển. Tuyệt đối không để người dân trên lồng bè khi bão đổ bộ… Cần thiết thì phải cưỡng chế người dân vào bờ.
Đối với đất liền, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần tập trung sơ tán người dân đến nơi an toàn, nhất là nười dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
“Thực tế khi bão đổ bộ, thương vong không lớn. Nhưng hoàn lưu sau bão thì gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương. Do đó, đây là vấn đề mà các đơn vị liên quan cần đặc biệt quan tâm…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cũng lưu ý việc bảo đảm an toàn hồ đập. Các hồ thực hiện đa mục tiêu nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro khi có thiên tai. Chính vì vậy, các bộ ngành cần quản lý, vận hành nhuần nhuyễn. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương phải thường xuyên rà soát, có phương án bảo đảm an toàn cho các hồ chứa và vùng hạ du.
Công tác bảo đảm an toàn công trình hạ tầng, hệ thống điện, đặc biệt là giao thông cũng cần được chú trọng. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương chủ động lực lượng để xử lý kịp thời các sự cố, bảo đảm giao thông, viễn thông thông suốt phục vụ cứu nạn, cứu hộ.
Liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ. Trong đó, sự phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị là hết sức quan trọng. “Phải làm sao để khi xảy ra sự cố thiên tai, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đến được sớm nhất với người dân…” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý.
Để hỗ trợ các địa phương miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định hỗ trợ. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần xây dựng phương án hỗ trợ người dân sớm nhất, bảo đảm hiệu quả, đúng đối tượng. Về lâu dài, cần nghiên cứu, tiếp tục triển khai thực hiện chương trình nhà ở chống bão lũ cho các tỉnh vùng thiên tai.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngay sau cuộc họp sáng 13/11, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cử các đoàn công tác đi kiểm tra thực tế, đôn đốc công tác sơ tán và ứng phó; bảo đảm an toàn cho người dân trong bão số 13.