Tuyệt đối không chủ quan
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên vừa qua đã hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới liên tiếp. Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhiều trường hợp đến nay vẫn còn đang mất tích.
Phó Thủ tướng cho rằng, việc ứng phó với thiên tai thời gian qua đã có sự chủ động và phát huy hiệu quả khá tốt. Trong bão gần như không xảy ra thiệt hại lớn. Tuy nhiên, thiệt hại do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất sau bão là rất nặng nề.
Phó Thủ tướng lưu ý trong công tác cứu trợ, phải có sự phối hợp với địa phương để đến được với người dân vùng khó khăn. Tránh để xảy ra tình trạng nơi được hỗ trợ nhiều nhưng có địa phương thì ít được quan tâm. Đối với công tác tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các đơn vị đóng trên địa bàn phải linh hoạt, cơ động với phương châm 4 tại chỗ để khắc phục nhanh nhất sự cố.
“Lực lượng được các bộ ngành, địa phương tổ chức rất đông, nhưng chỗ cần thiết thì không có, hoặc khả năng tiếp cận chậm. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị thời gian tới các đơn vị cần thường xuyên phối hợp diễn tập, tổ chức lực lượng để đến được với nơi người dân cần nhanh nhất, tiến tới chuyên nghiệp hoá công tác cứu nạn, cứu hộ.
Phó Thủ tướng đánh giá, hiện nay bão số 12 đã tiến sát đất liền các tỉnh Bình Định đến Ninh Thuận. Bão được nhận định sẽ gây mưa lớn kéo dài tại khu vực đã chịu mưa suốt nhiều ngày qua. Điều này đe doạ rất lớn đến an toàn của người dân ven bờ và trong đất liền.
Ngoài bão số 12, bão Vamco dự kiến sẽ vào biển Đông và có khả năng mạnh đến cấp 15. Nếu chủ quan thì thiệt hại sẽ rất nặng nề. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần rà soát an toàn trên biển, bảo đảm tất cả tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Cùng với đó tuyệt đối không để ngư dân ở trên lòng bè nuôi trồng thuỷ sản khi bão đổ bộ.
Trên đất liền, Phó Thủ tướng lưu ý mưa lũ kéo dài có thể gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng. Do đó, các địa phương cần có kế hoạch sơ tán người dân trong bão số 12 và phương án di dân cho bão Vamco dự kiến trở thành bão số 13. Trong sơ tán, cần chú ý địa điểm an toàn; tường ngăn, cửa kính phải bảo đảm chống chịu trước bão…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân vùng lũ miền Trung - Tây Nguyên. Tập trung khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại các khu vực bị lũ quét, sạt lở đất và những nơi trũng, thấp còn bị ngập lụt, chia cắt. Sớm ổn định đời sống cho người dân vùng bị ảnh hưởng mưa lũ…
Huy động tàu hải quân, máy bay trực thăng sẵn sàng ứng cứu
Trước diễn biến bão số 12, những ngày qua, Bộ đội Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện với 289.004 người vào nơi tránh trú, hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão. Tối 9/11, biên phòng 5 tỉnh ven biển Nam Trung Bộ đã bắn pháo hiệu tại 32 điểm để cảnh báo cho các phương tiện, tàu thuyền. Hiện, biên phòng cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất để sẵn sàng đưa dân lên trú tránh bão số 12 tại các đồn biên phòng.Đại diện Bộ GTVT cho biết thêm, 926 tàu vận tải tại các vùng nước, cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đã được thông báo về diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động tránh trú. Các tỉnh từ Bình Định - Bình Thuận đã chỉ đạo hướng dẫn hơn 18.000 ngư dân gia cố 177.614 lồng, bè. Kêu gọi ngư dân lên bờ trú tránh để bảo đảm an toàn trong thời gian bão số 12 đổ bộ.Cũng tại cuộc họp, Thiếu tướng Doãn Thái Đức - Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết đang bố trí lực lượng hơn 251.500 người túc trực để ứng phó sự cố thiên tai có thể xảy ra. Trong đó, ngoài 1 tàu chạy được trong cấp siêu bão (cấp 16 - 17), đơn vị đã phối hợp với Bộ Quốc phòng huy động cả trực thăng, máy bay để sẵn sàng ứng cứu người dân khi xảy ra sự cố trong bão số 12.Liên quan đến an toàn hồ chứa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết hiện nay nhiều hồ đang xả tràn, đưa mực nước về mức an toàn trước lũ. Bộ cũng đang chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn dự trữ hàng hoá, tuyệt đối không để xảy ra tinh trạng găm hàng.Các địa phương trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão đã triển khai thực hiện công điện, văn bản của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai về việc ứng phó với cơn bão số 12. Trong đó, 5 tỉnh ban hành lệnh cấm biển gồm: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận.Tính đến sáng nay (10/11), 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã tổ chức sơ tán 2.784 hộ với 8.254 người (Phú Yên: 2.073 hộ/5.709, Khánh Hòa: 711 hộ/2.545 người) tại các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của bão, lũ đến nới an toàn. Các tỉnh khác đang tiếp tục rà soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 12 và mưa lũ để tổ chức sơ tán cho phù hợp.