Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tôi mong “Lửa đổi mới” lan xuống từng trường, từng giáo viên, ra cộng đồng!

Thủy Trúc- Lệ Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưa 2/8, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2017 – 2018, triển khai nhiệm vụ 2018 – 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành giáo dục, trong quá trình đổi mới phải kiên định đi theo xu hướng thế giới.

Bộ GD&ĐT phải làm tốt hơn khâu quản lý nhà nước, các địa phương làm tốt bài toán tinh giản biên chế chứ không phải cắt giảm một cách cơ học.
Phó Thủ tướng chia sẻ, năm nay là năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục. Cùng với sự đổi mới chung của đất nước, ngành giáo dục đạt được nhiều kết quả khá rõ, cho thấy hướng đi đúng. Có những khâu, lĩnh vực thì lộ trình được đảm bảo; có khâu, lĩnh vực lộ trình được đẩy nhanh; nhưng có những khâu, lĩnh vực lộ trình lại chậm.

Năm qua, tự chủ chương trình của các trường phổ thông có những chuyển biến khá rõ trong cách dạy và học. Giáo dục đại học (ĐH) cũng có những khởi sắc hơn. Thông qua những tổ chức xếp hạng khá uy tín, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới. Không chỉ thế, từ chỗ trước kia chỉ có 2 ĐH quốc gia và ĐH vùng được một số quyền thì nay đã có 24 trường thực hiện thí điểm tự chủ. Hiện nhiều trường đang mong sớm thực hiện tự chủ.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng quán triệt, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục có nhiều điểm lưu ý nhưng có 2 điểm phải xuyên suốt, làm nghiêm túc trong năm học này. Thứ nhất, đổi mới giáo dục phải có quá trình, không như xây nhà, làm đường. Trong lộ trình ấy không phải giải pháp nào cũng hoàn hảo nhất. Vì thế, cần phải khoa học, cầu thị và kiên trì. Thứ hai, trong quá trình đổi mới nhất định pải đi theo xu thế thế giới.
Trong năm học qua, Bộ GD&ĐT đã rút ra 5 kinh nghiệm, nhưng theo Phó Thủ tướng cần chú trọng mở ra các diễn đàn để người dân tham gia góp ý. Khi chọn ý kiến nào, phải có giải thích cho mọi người hiểu để tạo sự đồng thuận mới đẩy mạnh được đổi mới giáo dục.
Nói về giải pháp tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng, khâu đổi mới quản lý nhà nước của Bộ là quan trọng, cần phải làm tốt hơn.
Đến nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT nắm được tình hình giáo viên ở từng trường về số lượng, trình độ chuyên ngành đào tạo và phân công công việc. Đây là cơ sở ban đầu để chúng ta làm tốt công việc biên chế. Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương chỉ đạo các trường tiếp tục cập nhật để nắm tình hình. “Giáo viên không chỉ đơn thuần là tính trên tổng biên chế của tỉnh. Bởi có nhiều trường hợp tổng biên chế của tỉnh thừa nhưng có huyện lại thiếu, nhất là giáo viên phổ thông. Không thể điều giáo viên từ TP thuộc tỉnh về huyện dạy vì họ còn gia đình, chỗ ở. Hay, ngay trên địa bàn thừa giáo viên môn này nhưng lại thiếu giáo viên môn kia…” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho rằng, ngay bây giờ phải giải quyết câu chuyện biên chế ở một số nơi. Việc hiểu nghị quyết 19 quy định cắt đi 10% giáo viên biên chế là chưa chuẩn xác. Nghị quyết, nêu rất rõ là chia theo các thời kỳ, từ nay đến năm 2021 cắt trung bình 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nếu chúng ta có cơ chế các đơn vị sự nghiệp nói chung và giáo dục nói riêng có thể tự chủ về lương thì sẽ không tính họ vào biên chế truyền thống.
 Toàn cảnh Hội nghị.
Và, trước hết chủ yếu tập trung vào giảm mạnh biên chế gián tiếp. Nhưng tinh thần chung là phải đủ giáo viên để dạy. Đồng thời, sắp xếp lại mạng lưới các trường trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho học sinh và gia đình. Phấn đấu cho trẻ học 2 buổi/ngày, sĩ số không được đông hơn mức cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng. Không được máy móc thừa giáo viên cấp hai mà điều họ xuống dạy mầm non.
Về cơ sở vật chất, trong đó có nhà vệ sinh năm nay phải giải quyết cho bằng được. Nhưng theo thống kê của các địa phương cần tới 40.000 nhà vệ sinh, ngân sách khó có thể đảm bảo. Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn, các trường có báo cáo về nhà vệ sinh. Đồng thời kên gọi chính quyền địa phương và cộng đồng giúp các cháu có nhà vệ sinh, dám đi vệ sinh.
“Về quản trị nhà trường, tiến tới giảm bớt sự can thiệp hành chính từ cấp quận, huyện; tập trung quá nhiều trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn vào một cá nhân hiệu trưởng. Quản trị nhà trường là phải có sự tham gia của cộng đồng, phụ huynh, học sinh và tập thể giáo viên nhà trường theo hướng minh bạch, dân chủ” – Phó Thủ tướng nêu rõ.
Về phía các thầy cô phải thực sự gương mẫu. Trong số hơn 1 triệu giáo viên, đa số đều gương mẫu nhưng số không gương mẫu không ít. “Nhất định trong năm học này, Bộ trưởng phát động phong trào để các thầy cô cùng thi đua gương mẫu. Ai vi phạm nhất định ra khỏi ngành… Chúng ta không thể làm ảnh hưởng cả một thế hệ”.
Phó Thủ tướng cũng mong phụ huynh tham gia vào quản lý, quản trị trường học cùng với chính quyền và nhà trường. Và, tha thiết đề nghị phụ huynh vì con em mình, cùng với nhà trường yêu cầu các cháu phải lao động, làm vệ sinh trường, để sau này trở thành người yêu lao động, tôn trọng người lao động.
“Tôi mong rằng các đồng chí giữ được tinh thần đổi mới, lan được “lửa đổi mới” xuống đến từng trường, từng đơn vị thuộc các trường, giáo viên, cả cộng đồng, để nền giáo dục Việt Nam được đổi mới thật sự, chúng ta mới phát triển được”- Phó Thủ tướng mong muốn.