Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về cải cách tiền lương

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội đã tổ chức họp chuẩn bị việc thực hiện chủ trương cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW của Trung ương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo của một số Ủy ban của Quốc hội.
Trước đó, vào ngày 21/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ vào ngày 16/8/2018.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cuộc họp này có ý nghĩa quan trọng đối với việc đánh giá các nhiệm vụ, giải pháp đã triển khai trên thực tiễn và xây dựng cơ sở pháp luật liên quan trong giai đoạn hiện nay và cả năm 2020, trước khi triển khai chính sách lương mới từ đầu năm 2021.
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Thành Chung
Để cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh 2 giải pháp đột phá là: Thứ nhất, sắp xếp, bố trí lại, tinh giản biên chế bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh giản biên chế, Nghị quyết số 19-NQ/TW về đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Thứ hai là bố trí nguồn lực - tiền để cải cách tiền lương.
“Đây là 2 giải pháp mấu chốt trong các giải pháp về cải cách tiền lương cho cả 2 khu vực công - tư”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Theo đó, việc cải cách bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập không phải là cắt giảm lao động mà là giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, trên cơ sở sự tinh gọn của cơ quan hành chính và phát huy sự năng động, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đặc biệt, Trung ương cũng quyết dành 40% phần vượt thu ngân sách Trung ương và 70% vượt thu ngân sách địa phương từ 2018 - 2020 để dành cho cải cách tiền lương mới từ năm 2021.
Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá kể từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết 27, các cơ quan đã triển khai được một số công việc quan trọng. Cụ thể, mới đây, các đại biểu Quốc hội đã đồng thuận cao biểu quyết thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi), thể chế hóa được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về độ tuổi nghỉ hưu và nhiều nội dung liên quan tới khu vực doanh nghiệp như tiền lương tối thiểu, hội đồng tiền lương, phương pháp trả lương...
Chính phủ cũng chuẩn bị ban hành Nghị định về thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng tại doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các Quyết định về cơ chế tiền lương đặc thù đối với một số cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị như một số đơn vị cấp cục của Bộ Tài chính, NN&PTNT, GTVT,... Đồng thời, Thủ tướng cũng sẽ ban hành một Chỉ thị về việc triển khai cơ chế lương đặc thù với một số đơn vị trong hệ thống chính trị. Theo đó, Thủ tướng cho phép các đơn vị này thực hiện cơ chế tiền lương đặc thù tới hết năm 2020 để sắp xếp lại, chuyển dần sang trả lương theo chính sách mới từ năm 2021, bảo đảm minh bạch sự nghiệp công với dịch vụ hành chính công và tạo thuận lợi cho các vấn đề khác như kiểm tra chuyên ngành...
Về tự chủ các đơn vị sự nghiệp công, Chính phủ đang sửa đổi Nghị định số 16 theo hướng áp dụng chung cho các đơn vị trên tinh thần quán triệt cụ thể Nghị quyết số 27 và 19-NQ/TW. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ sửa đổi Nghị định số 55/2012/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập và sửa đổi Nghị định số 41/2012/NĐ-CP về biên chế, vị trí việc làm. Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định mới về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết các bộ, ngành, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh sẽ đề xuất chính sách tiền lương, thang bảng lương cho ngành nghề của mình; Ban Tổ chức Trung ương sẽ xây dựng quy định về chức danh tương đương; Bộ Nội vụ xây dựng chế độ thông tin báo cáo về thực hiện chính sách cải cách lương,...
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe và tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới xây dựng thang, bảng lương mới và việc bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước cho cải cách tiền lương.