Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp xúc 100 DN Bỉ và châu Âu

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

“Không có bất cứ lý lo gì có thể ngăn cản việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam-Bỉ nói riêng và với EU nói chung phát triển mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn trong mọi lĩnh vực, nhất là quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với các DN châu Âu.

Tối 18/9 tại thủ đô Brussels (Vương quốc Bỉ), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm xúc tiến đầu tư Việt Nam với sự hiện diện của hơn 100 đại diện các DN, hiệp hội DN của Việt Nam, Bỉ và châu Âu.

Toạ đàm còn có sự góp mặt của các vị Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và một số quốc gia ở khu vực châu Á, một số chuyên gia kinh tế của các trường dại học, viện nghiên cứu ở châu Âu.
 Tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  nêu bật những thành tựu, tầm nhìn, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, qua đó, giới thiệu những tiềm năng thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Bỉ và các nước châu Âu. Ảnh: VGP/Thành Chung
Trước đông đảo đại diện các DN hai bên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật những thành tựu, tầm nhìn, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, qua đó, giới thiệu những tiềm năng thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Bỉ và các nước châu Âu.
Phó Thủ tướng cho biết trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ phát triển kinh tế bình quân 6,5-7%/năm, phát triển bền vững, ổn định và tăng trưởng xanh gắn với 3 động lực chính là xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa và mở rộng đầu tư.
Để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch hóa thủ tục phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thu hút mọi nguồn lực cùng tham gia phát triển kinh tế. Trong đó, khu vực DN tư nhân và đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế trên cơ sở bổ trợ và hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm củng cố và nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Thủ tướng nêu rõ những nỗ lực trên đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Năm 2016 đã có hơn 110.000 DN thành lập, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, hướng tới mốc 1 triệu DN vào năm 2020.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên 82/190 quốc gia).
Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2017 của Diễn đàn LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Việt Nam được xếp hạng trong nhóm các địa điểm đầu tư có triển vọng đối với các tập đoàn đa quốc gia (MNEs) giai đoạn 2017-2019 (đứng thứ 12). Các tổ chức như Eurocham, Amcham, JETRO, Auscham... đều đưa ra góc nhìn tích cực về môi trường kinh doanh và coi Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên trong khu vực ASEAN.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra những lợi thế thu hút đầu tư là chính trị ổn định; quy mô GDP dự kiến đạt 350 tỷ USD, dân số trẻ tiệm cận mức 100 triệu người vào năm 2020 với cơ cấu dân số vàng (60% trong độ tuổi lao động, chi phí cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện); môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, chi phí đầu vào cạnh tranh, hạ tầng giao thông được nâng cấp mạnh mẽ với tính kết nối quốc tế thuận lợi, những chính sách phát triển kinh tế - ưu đãi đầu tư hấp dẫn đang được định hình... Việt Nam có khoảng 330 khu công nghiệp, 16 khu kinh tế ven biển và sắp tới sẽ hình thành 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá.
“Tất cả những lợi thế và nỗ lực trên sẽ giúp Việt Nam duy trì vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn mang tầm chiến lược đối với các nhà đầu tư nước ngoài“, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ với các DN.
Không chỉ đầu tư vào Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò cầu nối của Việt Nam cho các DN châu Âu tiếp cận thị trường rộng lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thân thiện, có độ mở cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN.
Trước những cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến mang lại cho DN hai bên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khuyến khích các DN Bỉ và châu Âu thúc đẩy tiến trình ký và phê chuẩn Hiệp định EVFTA cũng như chuẩn bị sẵn các kế hoạch đầu tư vào các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, phát triển hạ tầng, môi trường, tài chính-ngân hàng, nông-lâm-thủy sản, chế biến thực phẩm, năng lượng, công nghệ thông tin, dược phẩm, sinh học.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đề nghị các DN nghiên cứu các cơ hội trở thành đối tác chiến lược của các DN Nhà nước đang và sẽ cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới.
“Không có bất cứ lý lo gì có thể ngăn cản việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ nói riêng và với EU nói chung phát triển mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn trong mọi lĩnh vực, nhất là quan hệ kinh tế, đầu tư và thương mại. Hiệp định EVFTA sẽ trở thành tấm gương về tự do thương mại trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với các DN.
Tại tọa đàm, các DN Bỉ và châu Âu bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; quan tâm nhiều đến các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và đánh giá Việt Nam có vị trí quan trọng trong chuỗi kinh doanh của EU với cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
 Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: VGP/Thành Chung
Nhiều đại diện các tập đoàn lớn, công ty luật, viện nghiên cứu của Bỉ đã chia sẻ cởi mở, thẳng thắn những bình luận, đề xuất nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; tăng cường đối thoại Chính phủ-DN cũng như giới thiệu những ý tưởng, dự án sẽ triển khai tại Việt Nam. Đáng chú ý, các ý kiến phát biểu tại toạ đàm đều đánh giá cao vai trò của Hiệp định EVFTA trong việc tạo lập khung pháp lý và cam kết tự do hoá có chất lượng, mang lại những cơ hội to lớn cho các DN của cả hai bên.
Doanh nghiệp Bỉ ủng hộ sớm thực thi EVFTA
Trước đó vào chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp đại diện một số tập đoàn, DN lớn của Bỉ đang đầu tư và quan tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như: AB InBev, tập đoàn sản xuất nước giải khát và bia đa quốc gia lớn nhất thế giới; Bekaert S.A, tập đoàn sản xuất dây thép và mạ thép thuộc danh sách 20 công ty hàng đầu của Bỉ; Pharma Group Vietnam, tổ chức đại diện cho 26 công ty dược phẩm đa quốc gia tại Việt Nam và EFPIA, Hiệp hội Dược phẩm châu Âu, đại diện cho 40 tập đoàn dược phẩm đa quốc gia châu Âu.
Tại các buổi tiếp, Phó Thủ tướng đã lắng nghe và giải đáp các đề nghị của các tập đoàn; cho biết chủ trương của Nhà nước trong các lĩnh vực liên quan và khuyến khích các DN liên kết với các DN Việt Nam mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ra các vùng, miền của Việt Nam.
Các DN đánh giá cao những biện pháp cụ thể mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ với Phó Thủ tướng về Hiệp định EVFTA, các DN khẳng định ủng hộ mạnh mẽ việc sớm đưa Hiệp định vào thực thi và sẽ chuyển tải thông điệp này đến Chính phủ các quốc gia thành viên EU.