Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính: Tăng giá phải gắn với giá trị đầu tư thật

Doãn Thành thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tăng giá BĐS khi có tin đồn dự án sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương tham gia đầu tư của DN, khiến cho thị trường dễ rơi vào bong bóng. Vì vậy, khi BĐS tăng giá cần phải bảo đảm gắn liền với giá trị thật của đầu tư. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính.

Thời gian gần đây, một số huyện ngoại thành Hà Nội đẩy mạnh đầu tư vào các dự án hạ tầng. Ông có đánh giá thế nào về tác động đến thị trường BĐS tại những khu vực này?

- Bất cứ khu vực nào khi được đầu tư hạ tầng thì chắc chắn sẽ làm cho giá trị sản phẩm BĐS gia tăng, vì xu thế đón đầu cơ hội đầu tư trong tương lai, khi đó cả nhà đầu tư và người dân sẽ nhân cơ hội để đẩy giá. Cùng với đó, việc một số khu vực được định hướng phát triển thành đô thị, mà theo tiêu chí của Chính phủ muốn lên đô thị phải đầu tư cho các loại hạ tầng như giao thông, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, sân chơi thể thao, chợ thương mại... nên khi trở thành đô thị tất yếu sẽ kéo theo giá BĐS cũng tăng.
 Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính
Nhưng thực tế, tại một số địa bàn như Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh... thời gian qua, giá BĐS tăng rất mạnh, trong khi đó đầu tư hạ tầng mới rất hạn chế. Vì vậy, khi BĐS tăng giá cần phải đảm bảo gắn liền với giá trị thật của đầu tư.

Theo ông, việc tăng giá nhanh trong khi hạ tầng vẫn chưa theo kịp có ảnh hưởng thế nào với DN tham gia đầu tư dự án BĐS?

- Có thể khẳng định, thời gian qua, giá BĐS tại một số huyện ngoại thành Hà Nội tăng chưa phải tăng theo giá trị đầu tư thật mà chủ yếu do những nhà đầu cơ, "lướt sóng", tập trung vào những khu vực thị trường “nóng” theo kiểu thông tin. Việc này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn khi có DN vào đầu tư dự án, ví dụ khi DN vào nghiên cứu dự án xây dựng phương án bồi thường GPMB nhưng khi dự án chưa được chấp thuận thì giá đã tăng lên tới hàng chục triệu đồng mỗi mét vuông, đó rõ ràng là không khả thi cho chi phí đầu tư của DN. Như vậy, DN đầu tư phát triển BĐS buộc phải rút đi không thể tham gia, điều này đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Vậy đâu là giải pháp để bình ổn thị trường, giúp nhà đầu tư được cạnh tranh một cách công bằng, thưa ông?

- Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá BĐS một cách nhanh chóng. Thứ nhất, do thông tin của chúng ta chưa được rõ ràng, minh bạch. Khi công bố quy hoạch rồi lẽ ra phải có kế hoạch phát triển như thế nào, lộ trình bao nhiêu lâu, đã giao cho DN nào để triển khai... Thông tin càng rõ ràng càng làm cho thị trường ít bị biến động, tăng giá nhanh.

Thứ hai, do thị trường thiếu nguồn hàng nên nhà đầu tư phải đi tìm. Vì vậy cần phải có giải pháp nhanh hơn, tốt hơn cho việc phê duyệt dự án để đảm bảo có nguồn cung. Khi có nhiều hàng hóa ra thị trường, sẽ tạo ra sự cân bằng tự nhiên, có nhiều sản phẩm thì giá sẽ bình ổn.

Xin cảm ơn ông!