Lạm dụng giám định để kéo dài vụ việc
Một thực trạng đã được chỉ ra, pháp luật hiện hành còn thiếu quy định cụ thể, rõ ràng về thời hạn giám định tư pháp. Từ đó, dẫn đến tình trạng một số trường hợp tổ chức, cơ quan được trưng cầu giám định từ chối giám định không có căn cứ, nhất là đối với các vụ án phức tạp, thuộc nhiều lĩnh vực chuyên ngành chuyên sâu về nghiệp vụ đòi hỏi thời gian nghiên cứu nhiều. Ngược lại một số trường hợp lạm dụng hoạt động giám định để kéo dài thời hạn giải quyết vụ án. Điển hình hoạt động giám định tư pháp trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thường bị kéo dài, dẫn đến phải tạm đình chỉ giải quyết để chờ kết quả giám định.
Thực tiễn thực hiện giám định tư pháp cũng cho thấy, sự phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định với cơ quan thực hiện giám định còn nhiều vướng mắc, bất cập. Nội dung yêu cầu giám định chưa đầy đủ theo yêu cầu giải quyết vụ án, dẫn đến chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa thực sự bảo đảm. Kết quả giám định không nhất quán đối với một đơn vị thực hiện giám định nhưng kết quả hai lần khác nhau.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Viện KSNDTC) Đào Thịnh Cường, qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án kinh tế cho thấy khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án kinh tế, nhất là các vụ án tham nhũng, thường do công tác trưng cầu giám định.
Thời điểm từ năm 2013 - 2018, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế có 46 án trưng cầu giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, trong đó 8 vụ án có thời gian giám định bị kéo dài. Trong thời gian chờ kết quả giám định, các cơ quan tiến hành tố tụng không đánh giá, kết luận được trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ những bất cập trong phối hợp giám định tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, khó khăn lớn nhất trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện giám định là nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau. Nội dung này đã được Chính phủ đề xuất và trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Tư pháp đã làm rõ hơn trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Khắc phục chậm trễ
Dự thảo Luật đang tiến hành sửa đổi đã quy định, chỉ trong một số trường hợp hãn hữu không tiến hành giám định riêng được, thì mới tiến hành giám định chung theo hướng giao cho một cơ quan chủ trì và các cơ quan khác phối hợp tiến hành giám định. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, cũng cần sửa đổi quy định về thời hạn giám định đối với những vụ án, vụ việc.
Theo đại diện Bộ Công an, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thời gian điều tra có hạn nhưng lại không quy định thời hạn giám định tư pháp. Đây là điều gây khó khăn nhất cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra tố tụng. Đồng thời, Dự Luật cũng chưa có chế tài đối với cơ quan được trưng cầu giám định chậm cử ra giám định viên.
Do đó, cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm của các bộ, ngành chuyên quản lý các lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể, đối với từng loại giám định trong quy trình giám định nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng. Đặc biệt là khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc ra quyết định trưng cầu giám định cũng như cử ra giám định viên.