Tuesday, 14:12 04/03/2014
Phối hợp ngăn chặn giá sữa tăng bất hợp lý
Kinhtedothi - Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc kiểm tra một số doanh nghiệp (DN) tăng giá sữa trong thời gian qua.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc kiểm tra một số doanh nghiệp (DN) tăng giá sữa trong thời gian qua, đó là khẳng định của ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 3/3.
Lỗ hổng chính sách
“Hành vi tiêu dùng là rất quan trọng. Người tiêu dùng nên thể hiện quyền của mình, nếu hãng này tăng giá thì có thể chuyển sang dùng thương hiệu khác. Đừng lệ thuộc quá nhiều vào một dòng sữa. Như vậy sẽ gây áp lực được với doanh nghiệp phân phối, đảm bảo mức giá cạnh tranh công bằng theo quy luật của thị trường”.
Ông Vũ Vinh Phú Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội |
Với lý do giá đầu vào tăng, các DN kinh doanh, sản xuất sữa đồng loạt tăng giá, điều này khiến nhiều người tiêu dùng cho rằng, có sự " bắt tay" giữa các DN trong việc tăng giá. Nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định: Việc DN sữa lấy lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng đã tác động đến giá sữa chỉ là thông tin một chiều chưa được kiểm chứng.
Thực tế cho thấy từ trước đến nay, các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được giá sữa và chưa làm rõ các dấu hiệu liên kết, chuyển giá. Bởi nếu lấy lý do sữa nguyên liệu nhập về tăng giá để đẩy giá thành lên thì các DN giải thích sao với việc trước đây, nhiều thời điểm giá nguyên liệu giảm mà giá bán ra không hạ? Thực tế, từ khi sản phẩm sữa được "trả lại tên" và trở về diện quản lý giá của Bộ Tài chính thì giá chẳng những không giảm mà còn thi nhau “nhảy múa”.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của việc các DN sữa tăng giá vô tội vạ còn do chính sách quản lý giá hiện nay vẫn tồn tại những lỗ hổng khiến cho DN có thể lợi dụng. Thực tế cho thấy, Thông tư 30/2013/TT- BYT chỉ yêu cầu các DN kê khai giá, nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu và giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Thêm vào đó, Luật Giá đang cho phép các DN sữa được tăng giá từ 15 - 20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày, nên nhiều DN có thể tăng giá sữa 2 lần/tháng mà vẫn không phạm luật.
Đẩy mạnh kiểm tra
Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức, nhìn nhận về việc các DN sữa có dấu hiệu thỏa thuận tăng giá như báo chí phản ánh hay không, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, chưa thể kết luận DN có "bắt tay làm giá hay không", bởi qua kiểm tra thực tế chưa thấy có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên trước việc 4 DN sữa đồng loạt tăng giá liên tiếp, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tập hợp thông tin. Sau quá trình này, nếu phát hiện có hành vi "bắt tay" làm giá của DN sẽ ra quyết định điều tra chính thức với thời hạn 180 ngày. Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường bổ sung thêm: Cục Quản lý thị trường sẽ triển khai các biện pháp kiểm tra DN kinh doanh sữa có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định của Bộ Tài chính. Còn việc kiểm tra về kê khai giá là do Cục Quản lý giá phụ trách.
Theo đề xuất của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, sữa là mặt hàng bình ổn giá, trong đó có một số mặt hàng thuộc danh mục Quản lý giá, chính vì vậy Nhà nước nên áp dụng phương pháp quản lý theo giá trần. Trong đó, Nhà nước tính toán giá dựa trên giá nhập khẩu, thuế, chiết khấu bán hàng và lợi nhuận doanh nghiệp ở mức hợp lý. Điều này có thể thực hiện được vì thị trường sữa bột do một vài DN lớn phân phối, đó là hình thức nhóm DN thống lĩnh thị trường theo Luật Cạnh tranh.
Mặc dù các cơ quan quản lý đã tích cực vào cuộc trong việc ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý mặt hàng sữa, nhưng để có thể ngăn chặn giá sữa chỉ tăng không giảm đòi hỏi ngành tài chính phải kiểm soát được giá sữa nhập khẩu và giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Không chỉ có vậy, liên ngành tài chính - công thương có thể kiểm tra giá nhập khẩu đầu vào tăng như thế nào, có phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh hay không. Như vậy, việc kiểm soát thị trường sữa không chỉ thuộc trách nhiệm một ngành nhất định mà đòi hỏi các bộ, ngành liên quan cùng vào cuộc.
![]() Người tiêu dùng mua sữa tại Siêu thị Fivimart. Ảnh: Hoài Nam
|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phân tích: Hiện thị trường sữa Việt Nam đang bị chi phối và phụ thuộc vào một vài DN sữa lớn. Mỗi năm các DN sữa đều công bố điều chỉnh giá 3 - 4 lần mặc cho giá nguyên liệu thế giới tăng hay giảm. Nguyên nhân là bởi chi phí hoa hồng cho đại lý, nhân viên tiếp thị, quảng cáo và lợi nhuận khổng lồ được các DN tính cả vào giá bán.
“Trong thời gian tới, giá nguyên liệu biến động bất thường tác động xấu tới chỉ số giá tiêu dùng, cung hàng khan hiếm thì không loại trừ việc Bộ Tài chính sẽ tính tới việc công bố bình ổn giá sữa, thông qua một loạt các công cụ để điều tiết thị trường, trong đó có thể sẽ có biện pháp áp giá trần...”. Ông Nguyễn Anh Tuấn Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính |