Phòng bệnh chai chân do virus

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi xuất hiện các nốt chai sần, mụn cóc ở gan bàn chân, nhiều người thường cho rằng đó là do sự cọ xát thường xuyên giữa gan bàn chân và giày, dép gây ra, thậm chí cho rằng mình đã chạm phải… da cóc.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bệnh mắc chai dân do một loại virus ký sinh, nếu không được điều trị, vết chai sẽ không mất đi mà tăng kích thước, xâm lấn sang vùng xung quanh và lây lan sang những vùng khác.

Mụn cóc do… chạm phải cóc?

Hơn một năm nay, anh Dương Đình G. (Nam Từ Liêm, Hà Nội) xuất hiện 2 vết chai sần dưới lòng bàn chân trái. Thời gian đầu, vết chai chỉ bé bằng hạt đỗ xanh nhưng rồi càng ngày lại càng lan rộng. Sau đó, một vết chai dưới ngón chân cái và một vết giữa lòng bàn chân đã lan rộng, vùng da khu vực vết chai ngày một dày lên gây cộm chân mỗi khi đi giày, dép. Đặc biệt, những ngày thời tiết trở trời, tại khu vực vết chai có biểu hiện sưng tấy và gây đau buốt khó chịu. “Tôi đã dùng đủ các mẹo dân gian truyền miệng từ lấy mề của con gà vừa mới mổ chà lên vết chai, dùng dầu quả mướp rồi dùng cả kìm cắt da, bôi thuốc tây nhưng đều không ăn thua mà vết chai còn cứng hơn và to hơn, đi lại rất khó khăn”, anh G. chia sẻ.
 Khám chân cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư.  Ảnh: Lệ Nam

Đau đớn hơn anh G., anh Nguyễn Đồng N. (Sóc Sơn, Hà Nội) còn có tới… 13 nốt chai lớn nhỏ ở cả 2 lòng bàn chân. Ban đầu, anh N. vẫn tin rằng những mụn cóc này do khi đi làm đồng đã… chạm vào da cóc. Đến khi các nốt mụn này sưng tấy, gây khó khăn khi đi lại, anh N. đã đến Bệnh viện 103 khám và được bác sĩ chỉ định khoét bỏ. “Mỗi vết chai khi khoét ra đều có nhân cứng, hơn một tuần sau khi khoét bỏ hết mấy nốt “tai quái” này, tôi vẫn đi tập tễnh nhưng đến giờ thì đã khỏi hẳn, đi lại bình thường, không còn bị ám ảnh nỗi đau mỗi khi phải xỏ vào giày, dép”, anh N cho hay. Điều đáng nói, theo anh N., xung quanh nhà anh ở cũng có khá nhiều người bị chai chân giống anh nhưng do vết chai nhỏ và ít nên họ vẫn chủ quan và nhiều người tin rằng mụn cóc do chạm phải cóc là thật.

Bệnh dễ lây truyền

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Liên (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) không có chuyện mụn cóc là do chạm phải da con cóc. Thực tế, mụn cóc gây ra bởi virus HPV xâm nhập vào cơ thể thông qua vết nứt trên da. Virus này mọc ở nơi ấm áp, môi trường ẩm, chẳng hạn như trong phòng thay đồ hay trong giày của bạn… Khi bàn chân của bạn đổ mồ hôi và độ ẩm không được thoát ra (đi giày bít kín), mụn cóc sẽ có môi trường lý tưởng để xuất hiện. Mụn cóc lòng bàn chân thường lây lan sang các khu vực khác của bàn chân, tăng dần kích thước mụn, gây đau đớn. Mục cóc có biểu hiện gần giống với chai chân do sự cọ xát. “Nhìn vào da bệnh nhân bị chai chân do cọ xát, vùng da đó biến đổi màu sắc, da vàng, chai chân có thể hơi lồi lên so với chung quanh nhưng nếu bị mụn cóc trên vết chai sẽ có chấm đen nhỏ xíu trên lớp bề mặt. Ấn vào cục xơ chai, bệnh nhân có cảm giác đau nhói”, bác sĩ Liên cho biết.
 Vết chai chân được bác sĩ xử lý. Ảnh: Đình Nguyễn

Để điều trị căn bệnh này, người bệnh có thể đốt, cắt vết chai bằng laser. Tuy nhiên, để tránh sự tái phát bệnh, cần chẩn đoán chính xác là chai chân – sừng hóa do tiếp xúc hay do virus. Nếu do tiếp xúc gây sừng hóa – chai chân thì nên loại bỏ các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân đè ép do tiếp xúc. Còn chai chân do virus gây ra thường cần sử dụng dao điện khi cắt đốt để tiêu diệt rộng các tế bào xung quanh khối xơ chai chân khi bóc. Bác sĩ Liên khuyến cáo, để giảm nguy cơ của mụn cóc, chúng ta hãy đi dép trong phòng thay đồ hoặc phòng tắm công cộng. Đi giày thoáng và thay tất thường xuyên để giữ chân khô ráo. Do mụn cóc dễ nhiễm virus qua da nên có thể lây lan cho người khác và dễ tái phát tại những nơi khác của bàn chân. Vì vậy, cần thường xuyên chà rửa bàn chân bằng xà phòng diệt khuẩn. Không mang chung giày dép với người đang bị mụn cóc.