Phòng bệnh nhồi máu cơ tim

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhồi máu cơ tim cấp là một bệnh lý thường gặp và có liên quan nhiều đến sức khỏe cộng đồng. Ở Việt Nam, thời gian gần đây tỷ lệ người mắc nhồi máu cơ tim cấp có xu hư­ớng tăng lên rõ rệt.

Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, như­ng đây vẫn là một loại bệnh nặng, diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng nguy hiểm, luôn đe dọa tính mạng người bệnh.

Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh

Biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp là cơn đau thắt ngực điển hình, đau như bóp nghẹt phía sau xươ­ng ức hoặc vùng trư­ớc tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 30 phút và không đỡ khi dùng thuốc giãn động mạch vành. Đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải, hoặc vùng th­ượng vị. Tuy nhiên, có tr­ường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mà không có hoặc ít cảm giác đau, hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, bệnh nhân tiểu đư­ờng hoặc tăng huyết áp. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, nôn hoặc buồn nôn, lú lẫn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân chủ yếu gây nhồi máu cơ tim cấp là do xơ vữa động mạch vành. Những mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch và dần dần gây tắc mạch, làm cho máu không đến để nuôi cơ tim được, có thể dẫn đến hoại tử vùng cơ tim đó nếu không được can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, mảng xơ vữa thường không phát triển từ từ mà nó có thể bị nứt, vỡ ra đột ngột. Khi mảng xơ vữa bị vỡ ra, quá trình hình thành cục huyết khối được khởi động. Quá trình này được bắt đầu với các tế bào máu đặc hiệu, gọi là tiểu cầu, tập trung tại vị trí mảng xơ vữa bị nứt. Cục máu đông có thể được hình thành ngay trên mảng xơ vữa bị nứt ra và gây tắc đột ngột động mạch vành.

Điều trị và dự phòng

Tất cả các trường hợp nhồi máu cơ tim đều được đặt trong tình trạng cấp cứu, do vậy sự lựa chọn phươ­ng pháp điều trị bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nên được quyết định bởi các bác sĩ ở khoa cấp cứu cùng phối hợp với các bác sĩ tim mạch dựa theo các phác đồ của bệnh viện. Nếu ở các bệnh viện không có khả năng can thiệp tim mạch, cần chuyển bệnh nhân đến nơi có khả năng tái t­ưới máu cơ học cấp cứu gần nhất. Trong quá trình vận chuyển, bệnh nhân cần có nhân viên y tế đ­ược đào tạo về cấp cứu tim mạch đi cùng, với các phương tiện cấp cứu cơ bản, bằng các phương tiện vận chuyển cấp cứu phù hợp khi tình trạng bệnh nhân tương đối ổn định.

Các biện pháp chung cho mọi bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp bao gồm:  Nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, thở ô xy, dùng thuốc giảm đau, thuốc giãn động mạch vành, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, thuốc chống đông, thuốc ức chế men chuyển… Chế độ dinh dưỡng gồm ăn nhẹ, tránh táo bón, chế độ ăn đủ năng lư­ợng ít cholesterol và muối.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị tái tư­ới máu ngay cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố nh­ư thời gian đến viện, tình trạng bệnh nhân, điều kiện trang thiết bị và trình độ của cơ sở y tế.

Cho dù người bệnh đã đ­ược điều trị bằng ph­ương pháp nội khoa, ngoại khoa hay tim mạch can thiệp thì việc thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, ăn thức ăn có ít cholesterol, hạn chế mỡ, muối, điều trị một số bệnh có liên quan như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và tiếp tục sử dụng lâu dài một số thuốc đặc hiệu là hết sức cần thiết để điều trị và phòng ngừa nhồi máu cơ tim tái phát.