Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng bệnh tiêu chảy cấp vào mùa Hè

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em, nhất là vào mùa Hè. Bệnh dễ lây lan, có nguy cơ gây suy dinh dưỡng và tử vong nếu không được chăm sóc đúng cách.

Các chuyên gia khuyến cáo, giữ gìn vệ sinh cho trẻ, đảm bảo dinh dưỡng là cách tốt nhất để phòng chống căn bệnh này.

Trẻ dưới 2 tuổi dễ mắc bệnh

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam – Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% trong đó là trẻ dưới 2 tuổi. Trong những ngày đầu Hè này, số trẻ mắc tiêu chảy cấp đến khám tại bệnh viện chủ yếu là do virus Rota. Trong khi đó, virus này có khả năng lây lan nhanh với tuyến đường phổ biến là phân và miệng. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay lên miệng, virus sẽ xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh. Theo nghiên cứu, mỗi 1ml phân của một trẻ bị tiêu chảy cấp do virus Rota có thể chứa hơn 10.000 tỷ virur, trong khi chỉ cần chưa đến 10 virus này là đủ để lây bệnh cho con người. Virus gây bệnh này có thể sống nhiều giờ trên bàn tay, vài ngày trên các bề mặt rắn và tồn tại đến 21 ngày trong phân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bác sĩ Nam cho biết, bệnh thường bắt đầu bằng các triệu chứng sốt và nôn ói, sau đó là tiêu chảy với đặc điểm phân lỏng, nhiều nước, có thể lẫn đờm, nhớt. Số lần đi ngoài sẽ tăng mạnh trong vài ngày, sau đó giảm dần, trẻ có thể tự khỏi sau 4 – 8 ngày. Trong giai đoạn bệnh, trẻ có thể chán ăn uống và bị mất nước do một lượng lớn nước đào thải ra ngoài khi nôn ói, đi ngoài. Nghe tưởng như đơn giản, nhưng khi trẻ mắc bệnh có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường như làm kiệt sức, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Bên cạnh đó, do chủ quan nên nhiều phụ huynh đã tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy. Trong khi loại thuốc này làm giảm nhu động đường ruột khiến phân không được thải ra ngoài, làm virus ứ đọng lâu hơn trong đường ruột, gây nguy hiểm cho trẻ.

Ăn đủ chất, chia nhỏ bữa

Theo quan điểm của nhiều phụ huynh, khi trẻ mắc tiêu chảy thì nên tuyệt đối kiêng các chất tanh, tốt nhất chỉ nên ăn cháo trắng với muối hoặc đường. 

Trường hợp chị Lê Thu Hà (quận Đống Đa) có con nhỏ bị tiêu chảy, trong suốt 3 ngày liền, chị chỉ cho con ăn cháo trắng với muối và tự mua thuốc điều trị. Đến ngày thứ 4, thấy tình trạng bé vẫn không tiến triển, chị mới tá hỏa đưa con đến bệnh viện, kết quả chẩn đoán bé bị tiêu chảy do virus Rota kèm suy dinh dưỡng. Vì vậy, bác sĩ Nam khuyến cáo, trong thời gian bị bệnh vẫn cần cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, thức ăn cần được chế biến mềm để trẻ dễ tiêu hóa, chia nhỏ các bữa ăn thay vì chú trọng khẩu phần ăn của một bữa lớn, tránh các món ăn có nhiều dầu mỡ. Đảm bảo cho trẻ ăn chín, uống sôi trong thời gian mắc bệnh. Cùng với đó, nên bổ sung nước cho trẻ bằng oresol và phải pha theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ Nam nhấn mạnh, cần cho trẻ uống vaccine phòng virus Rota từ 6 tuần tuổi để tăng cường khả năng phòng bệnh. Bên cạnh đó, đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ và người trực tiếp chăm sóc trẻ, nhất là việc rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đối với trẻ sơ sinh, cần đảm bảo tay và đồ chơi của bé phải sạch sẽ đề phòng trường hợp bé cho lên miệng ngậm, mút. Không để bé chơi dưới nền đất hay nền nhà không đảm bảo vệ sinh. Nếu gia đình có người đang mắc bệnh cần cách ly bé với người bệnh, tránh nguy cơ lây lan. Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh cần phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và tư vấn, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.