Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng bệnh viêm mũi dị ứng: Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên

PGS.TS Hoàng Thị Lâm -Trưởng Bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào thời gian giao mùa, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, số người mắc bệnh đường hô hấp tăng lên đáng kể. Trong đó phải kể đến bệnh viêm mũi dị ứng.

20% dân số mắc bệnh
Tại nước ta, viêm mũi dị ứng là căn bệnh thường gặp nhất trong các bệnh về đường hô hấp, khi có tỷ lệ người mắc chiếm tới gần 20% dân số. Đây là hiện tượng viêm niêm mạc mũi, do dị ứng với những tác nhân xâm nhập vào cơ thể qua hệ hô hấp, dẫn đến các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi. Bệnh còn gây đau đầu, khó tập trung, giảm hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống, nếu không điều trị kịp thời sẽ trở thành mãn tính và rất khó điều trị dứt điểm.
 Khám cho trẻ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Công Hùng
Viêm mũi dị ứng có thể gặp ở mọi đối tượng, tuy nhiên bệnh thường khởi phát ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là nhóm thanh thiếu nhi. Những người hay bị viêm mũi dị ứng thường có cơ địa dị ứng tức là bản thân hoặc trong gia đình có các thành viên mắc các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm da dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thức ăn… Những người có bố hoặc mẹ bị dị ứng thì 30 - 50% nguy cơ bị viêm mũi dị ứng, nếu cả bố và mẹ bị dị ứng thì nguy cơ tăng lên 50 - 70%. Nếu người bị hen phế quản thì đến 80% số bệnh nhân đó mắc bệnh viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng rất hay kèm với viêm xoang dị ứng vì cũng chung niêm mạc đường hô hấp. Đặc biệt, nhiều khi viêm xoang là hậu quả của viêm mũi dị ứng nên một số trường hợp bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân viêm mũi xoang hoặc viêm mũi xoang dị ứng.
Viêm mũi dị ứng được chia ra làm hai loại, viêm mũi dị ứng theo mùa (viêm mũi dị ứng ngắt quãng) và viêm mũi dị ứng quanh năm (viêm mũi dị ứng dai dẳng) Nếu bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng không được điều trị kịp thời và triệt để sẽ dẫn đến các hậu quả như tắc ngạt mũi kéo dài, gây đau đầu, mất ngủ dẫn đến kém tập trung. Tắc ngạt mũi kéo dài dẫn đến bệnh nhân phải thở bằng miệng, lâu ngày sẽ dẫn đến một số biến dạng khuôn mặt như răng vẩu ra, cằm đưa ra phía trước. Mất ngủ kéo dài dẫn đến mắt thâm quầng, nếp nhăn ngang mũi do chà xát mũi do ngứa. Viêm mũi kéo dài cũng ảnh hưởng đến khứu giác của người bệnh. Viêm mũi dị ứng cũng thường kết hợp với các bệnh khác như viêm kết mạc dị ứng, viêm xoang, viêm tai giữa và đặc biệt là hen phế quản. 40% số bệnh nhân viêm mũi dị ứng có hen và 80% bệnh nhân hen có viêm mũi dị ứng.
Không phải bệnh truyền nhiễm
Viêm mũi dị ứng hay gặp nhất là hắt hơi, có thể là hắt hơi thành từng tràng. Ngứa mũi, chảy nước mũi trong, ngạt tắc mũi. Trong trường hợp viêm mũi kéo dài, người bệnh sẽ không ngửi được, các triệu chứng này tăng nặng khi tiếp xúc với nguyên nhân gây dị ứng. Ví dụ dị ứng với bọ nhà thì khi tung chăn đi ngủ bệnh nhân sẽ hắt hơi ngứa mũi. Dị ứng với phấn hoa thì khi tiếp xúc với phấn hoa hoặc vào mùa Xuân khi hoa nở, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng của viêm mũi dị ứng như chảy mũi, ngứa mắt mũi...
Viêm mũi dị ứng không phải là bệnh truyền nhiễm nên không lây qua đường hô hấp. Bệnh chỉ lây khi viêm mũi dị ứng lâu ngày không điều trị bệnh nhân bị bội nhiễm virus hay vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân viêm mũi dị ứng mà tiếp xúc với những người bị cảm cúm, bị viêm nhiễm đường hô hấp trên thì rất dễ bị lây bệnh, vì bản thân niêm mạc của bệnh nhân viêm mũi dị ứng đang bị tổn thương nên khả năng lây nhiễm sẽ cao hơn so với người bình thường. Chính vì vậy, bệnh nhân viêm mũi dị ứng nên tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh đường hô hấp cũng như nên tránh đến những nơi công cộng đông người.
Khi bị viêm mũi dị ứng, người bệnh nên tránh các nguyên nhân gây dị ứng, nếu bệnh vẫn không cải thiện thì bác sỹ sẽ kê đơn điều trị các triệu chứng như ngứa mũi, tắc ngạt mũi chảy nước mũi. Trong trường hợp phát hiện được nguyên nhân và không loại bỏ được dị nguyên, điều trị thuốc không cải thiện các bác sỹ sẽ sử dụng liệu pháp miễn dịch để tạo dung nạp cho người bệnh với dị nguyên. Khi đó, bệnh nhân có thể tiếp xúc với dị nguyên mà không có triệu chứng bệnh.
Để phòng tránh viêm mũi dị ứng, người bệnh nên tránh xa dị nguyên. Nếu dị ứng với mạt bụi nhà thì nên giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, không nên sử dụng các đồ nhồi bông, thảm vì đây là nơi tích trữ bụi, đồng thời, giặt chăn ga gối 1 tuần/lần bằng nước nóng hoặc phơi nắng. Cùng đó, phải để thông thoáng phòng ngủ, không cho súc vật nuôi vào phòng ngủ nếu dị ứng lông súc vật. Tiêu diệt gián và dọn sạch đồ ăn trong bếp để loại bỏ gián. Nếu dị ứng phấn hoa, trong mùa phấn hoa nên đóng cửa sổ, hạn chế đi ra ngoài, và nếu đi ra ngoài nên đeo khẩu trang. Sử dụng thiết bị lọc không khí trong nhà. Ngoài ra, tránh tiếp xúc với các bệnh nhân viêm nhiễm đường hô hấp trên, và phải mặc ấm vào thời điểm giao mùa.