Phòng cháy, chữa cháy rừng: Đẩy mạnh giao rừng gắn với giao đất

Ánh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đã được ngành kiểm lâm Hà Nội và các địa phương có rừng trên địa bàn TP chú trọng thực hiện, song trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

Phòng cháy, chữa cháy rừng: Đẩy mạnh giao rừng gắn với giao đất - Ảnh 1

Đó là chia sẻ của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên với Kinh tế & Đô thị.

Ông có thể cho biết hiện trạng rừng và những giải pháp thực hiện công tác PCCCR của Hà Nội thời gian qua?

- TP Hà Nội có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 27.000ha, được phân bố trên 7 huyện và thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Công tác bảo vệ rừng và PCCCR rừng được TP Hà Nội thường xuyên quan tâm chỉ đạo.

Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, những ngày nghỉ lễ, cũng như trong các đợt nắng nóng kéo dài…

Về phía địa phương, các xã có rừng đều thành lập tổ xung kích tham gia chữa cháy rừng. Lực lượng chữa cháy rừng được trang bị dụng cụ, máy móc hỗ trợ công tác chữa cháy nên hầu hết các vụ cháy rừng đều được phát hiện sớm, dập tắt kịp thời.

Diễn tập chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ánh Ngọc
Diễn tập chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ánh Ngọc

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCCR cũng được thực hiện thường xuyên. Chỉ tính tiêng từ năm 2020 đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về sử dụng phương tiện PCCCR và tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ rừng cấp huyện, xã thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia.

Đồng thời, phối hợp với đài truyền thanh 7 huyện, thị xã có rừng thường xuyên phát các bản tin, thông tin cảnh báo về cháy rừng, gương người tốt, việc tốt trong công tác PCCCR. Ngoài ra, Chi cục còn tổ chức các cuộc diễn tập chữa cháy rừng cấp xã với sự tham gia đông đảo của người dân.

Thực tế cho thấy, dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng tình trạng cháy rừng vẫn diễn ra. Vậy đâu là những khó khăn, bất cập trong công tác bảo vệ, PCCR hiện nay, thưa ông?

- Đúng là như vậy. Đáng nói, các vụ cháy rừng của Hà Nội, nhất là trên địa bàn huyện Sóc Sơn đến nay hầu hết chưa làm rõ người gây ra cháy. Cũng cần phải nói thêm, rừng Hà Nội chủ yếu là rừng trồng với các loài thực vật dễ cháy, lại gắn liền với các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh có lượng khách đến tham quan đông. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm còn quá mỏng so với yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, việc thực hiện chức năng quản lý về lâm nghiệp của một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức nên việc phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR gặp nhiều khó khăn.

Ông có thể lý giải vì sao trên địa bàn huyện Sóc Sơn lại xảy ra cháy rừng nhiều hơn so với các địa phương khác?

- Rừng Sóc Sơn là rừng trồng hỗn giao, có một số diện tích trồng thuần loài như thông, keo, bạch đàn nên khả năng giữ và điều tiết nước kém, khô kiệt về mùa khô; thảm thực vật dưới tán rừng khô nỏ, dày, rậm rạp (cỏ, guột, cành khô, lá rụng) nên dễ bắt lửa, do vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Trong khi đó, rừng và đất lâm nghiệp huyện Sóc Sơn chưa được cấp thẩm quyền giao và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp nên khó khăn trong quá trình quản lý và xây dựng phương án bảo vệ rừng bền vững.

Thêm nữa là trong một thời gian dài, có tình trạng các hộ dân tự ý mua bán, chuyển nhượng rừng, đất lâm nghiệp xảy ra ở các xã cũng như việc phân cấp quản lý không tập trung thống nhất trên địa bàn huyện (các xã quản lý 2.462ha, phần còn lại 2.095ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý). Ngoài ra, các xã chưa có cán bộ chuyên trách về lâm nghiệp mà chỉ là kiêm nhiệm, thay đổi thường xuyên, không có chuyên môn về lâm nghiệp nên hạn chế trong quản lý.

Để công tác quản lý rừng nói chung, PCCCR nói riêng hiệu quả hơn, theo ông cần có những giải pháp gì?

- Để công tác PCCCR hiệu quả, Hà Nội nói chung, huyện Sóc Sơn nói riêng bên cạnh việc tuyên truyền để người dân góp phần bảo vệ rừng, không đốt lửa trong khu vực rừng, cần khẩn trương đẩy mạnh giao rừng gắn với giao đất để thuận tiện trong công tác quản lý đồng thời tăng cường nguồn lực cho lực lượng kiểm lâm. Về lâu dài, TP cần cải tạo, nâng cấp rừng, phát triển nâng cao chất lượng rừng theo hướng trồng cây gỗ lớn, đa tầng, đa loài; bố trí cán bộ chuyên trách về lâm nghiệp tại các xã có rừng; thống nhất công tác quản lý đối với diện tích rừng trên địa bàn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần