Phòng cháy tại các nhà tập thể cũ: Quan trọng là ý thức người dân

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp để giảm thiểu hỏa hoạn tại các nhà tập thể cũ, điển hình là việc mở cửa “chuồng cọp”, song cần nhất là thay đổi nhận thức của người dân về công tác PCCC, tự bảo vệ mình trước hiểm họa cháy nổ. 

Người dân Tổ dân phố số 7 (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) thực hành về công tác phòng cháy chữa cháy tại buổi ra mắt mô hình “An toàn PCCC tại các căn hộ tập thể cũ”.
Người dân Tổ dân phố số 7 (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) thực hành về công tác phòng cháy chữa cháy tại buổi ra mắt mô hình “An toàn PCCC tại các căn hộ tập thể cũ”.

Tiềm tàng hiểm họa cháy nổ

Theo Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 2.500 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC; trong đó có hơn 1.500 cơ sở là chung cư, nhà tập thể cũ. Đặc điểm chung của loại nhà ở này đều đã cũ, không được thiết kế và lắp đặt hệ thống PCCC, không có đủ các trang thiết bị về PCCC. Vị trí nằm trong những con ngõ nhỏ, kết cấu hạ tầng xuống cấp, người dân thì “đua nhau” cơi nới “chuồng cọp”, không đảm bảo các thông số kỹ thuật, không có kinh phí khắc phục điều kiện PCCC. Khi xảy ra cháy nổ thì không có lối thoát hiểm dẫn đến hậu quả vô thương tâm.

Vụ hỏa hoạn ngày 21/4/2022 khiến 5 người tử vong tại nhà B9 tập thể Kim Liên, phường Kim Liên. Hay vụ cháy tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa (ngày 4/4/2021) khiến 4 người trong cùng gia đình tử vong, là bài học đau xót về việc không mở lối thoát nạn.

Phòng cháy tại các nhà tập thể cũ: Quan trọng là ý thức người dân - Ảnh 1 Khu tập thể D5 Giảng Võ (quận Ba Đình). 

Điều đáng nói là tình trạng trên xảy ra phổ biến ở các khu tập thể tại các quận nội thành. Trên địa bàn phường Giảng Võ, quận Ba Đình có trên 2.000 căn hộ, trong đó có 855 căn có lồng treo, “chuồng cọp”, nhưng mới chỉ có trên 500 hộ dân mở lối thoát hiểm thứ 2.

Điển hình là tại khu tập thể trên địa bàn dân cư số 7 (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) được xây dựng từ cuối những năm 70, đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện, hệ thống điện trong nhà phần lớn chạy nổi và đã xuống cấp. Điện ngầm sau cải tạo cũng đã quá tải do ngày càng có nhiều thiết bị như điều hòa, bình nóng lạnh, bếp điện,... dễ dẫn đến chập điện, cháy nổ.

Theo thống kê sơ bộ, Tổ dân phố số 7 (phường Giảng Võ) có 192 hộ gia đình đang sinh sống. Trong số này có 104 hộ đã cơi nới lồng sắt, hàng rào sắt lan can. Song chỉ có 70 hộ đã làm cửa thoát hiểm, còn 34 hộ không có khả năng làm cửa thoát hiểm thứ 2. Bởi đây là các hộ chỉ có nửa căn hộ, hoặc bị cản trở do các vấn đề kỹ thuật hạ tầng, lịch sử để lại…

Trong vài ngày tới, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Thoa sẽ được Tổ dân phố số 7 (phường Giảng Võ) mở cửa "chuồng cọp" để đảm bảo an toàn.  
Trong vài ngày tới, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Thoa sẽ được Tổ dân phố số 7 (phường Giảng Võ) mở cửa "chuồng cọp" để đảm bảo an toàn.  

Thực tế công tác PCCC tại các khu chung cư, tập thể cũ đã được triển khai nhưng đôi khi vẫn chưa sâu rộng. Một số hộ gia đình còn có biểu hiện xem nhẹ công tác PCCC, nên chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho việc chuẩn bị bình cứu hỏa, thang dây,...

Mở lối thoát hiểm thứ 2 – giải pháp tình thế nhưng cần thiết

Trên cơ sở tiếp tục nhân rộng mô hình mở lối thoát hiểm thứ 2 đã được triển khai hiệu quả tại quận Thanh Xuân, mới đây Tổ dân phố số 7 (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) triển khai mô hình “An toàn PCCC tại các căn hộ tập thể cũ” với nội dung chủ yếu là mở lối thoát hiểm cho những nhà có “chuồng cọp”. Đây là mô hình điểm đầu tiên được triển khai trên địa bàn phường Giảng Võ.

Bí thư Chi bộ 7 (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) Nguyễn Đình Mẫn cho biết: Chi bộ số 7 đưa nội dung về công tác PCCC tại chỗ và triển khai mô hình “An toàn PCCC tại căn hộ thuộc nhà tập thể cũ” vào hội nghị sinh hoạt chuyên đề để người dân nâng cao ý thức về công tác PCCC. Tới đây, Chi bộ số 7 sẽ thành lập Tổ PCCC gồm 10 người; đồng thời chỉ đạo Tổ dân phố có hỗ trợ cần thiết với người dân khi mở lối thoát hiểm thứ 2.

Cụ thể, Tổ dân phố số hỗ trợ tìm thuê các đơn vị có uy tín để thiết kế và thi công cửa thoát hiểm thứ 2 khi các hộ gia đình có ý kiến đề nghị. Ngoài ra, tổ dân phố sẽ hỗ trợ tìm đối tác là các đơn vị có uy tín để cung cấp các thiết bị PCCC và cứu hộ cứu nạn đảm bảo chất lượng, đúng quy định.

Người dân Tổ dân phố số 7 (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) được tập huấn các thao tác chữa cháy cơ bản. 
Người dân Tổ dân phố số 7 (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) được tập huấn các thao tác chữa cháy cơ bản. 

Chủ tịch UBND phường Giảng Võ Nguyễn Ngọc Chiến cho biết: Xác định vấn đề an toàn PCCC là nội dung quan trọng, được người dân quan tâm, Đảng ủy, UBND phường đã quán triệt đến toàn bộ hệ thống chính trị tại các địa bàn dân cư và 17 tổ dân phố về việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trong công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn tại chỗ. “Mở lối thoát hiểm thứ 2 tại các nhà chung cư, tập thể cũ là việc rất cấp thiết. Ngay trong tháng 6 tới, chúng tôi sẽ vận động để tất cả hộ dân có chuồng cọp trên địa bàn phường Giảng Võ sẽ mở lối thoát hiểm thứ 2. Đối với các gia đình khó khăn, phường sẽ hỗ trợ hoàn toàn” – ông Nguyễn Ngọc Chiến nói.

Phòng cháy từ chính nhận thức của người dân

Đối với các khu tập thể, chung cư cũ và tại một số hộ dân tự cơi nới “chuồng cọp” chưa thể cải tạo, xây mới, thì việc mở lối thoát hiểm từ các công trình cơi nới bất đắc dĩ này, dù chỉ là giải pháp tình thế song cần thiết.

Là một trong những nhà chưa có điều kiện để mở chuồng cọp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Khu tập thể D5, Giảng Võ) chia sẻ: “Trước đây do lo sợ trộm cắp nên nhà tôi không mở chuồng cọp. Nhưng sau khi được chính quyền tuyên truyền, vận động và thực tế có nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra vì không có lối thoát hiểm, tôi nhận ra rằng việc mở lối thoát hiểm thứ 2 là rất cần thiết để đảm bảo tính mạng cho chính bản thân và gia đình”.

Để hạn chế thấp nhất sự cố cháy nổ, quan trọng nhất là ý thức của mỗi người dân. Mỗi hộ gia đình và cá nhân cần chủ động trong việc trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC. Đối với các hộ kinh doanh hàng hóa, hộ có phòng cho thuê thì phải trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy tại chỗ như: các bình chữa cháy, dây thoát hiểm để khi có sự cố xảy ra thì có sẵn phương tiện để sử dụng. Bên cạnh đó, cần thiết phải phải niêm yết các nội quy tiêu lệnh PCCC để mọi người đều có thể biết cách sử dụng các phương tiện PCCC và thực hiện thành thục các thao tác khi có sự cố.

Phát huy tinh thần “4 tại chỗ”, các Tổ dân phố phải có các quy định về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; căn cứ vào điều kiện cụ thể có giải pháp ngăn cháy; có phương án, lực lượng, phương tiện, đường giao thông, nguồn nước phục vụ PCCC.

Nhận thức tầm quan trọng của “phòng cháy” hơn “chữ cháy”, từ lâu nay, gia đình ông Dương Công Chúc (Khu tập thể D6B Giảng Võ) đã mở lối thoát hiểm. Theo ông, quan trọng nhất trong “phòng cháy” là yếu tố con người. Việc phổ cập kiến thức PCCC đến từng hộ gia đình là vô cùng cần thiết. Từng nhà, từng người phải biết được làm thế nào để phòng cháy cũng như các kỹ năng thoát hiểm để bảo vệ cho chính mình và gia đình.