Diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12, Tháng hành động năm 2020 có chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” với nhiều hoạt động, tạo nên một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Mặc dù bạo lực trên cơ sở giới vẫn là một thách thức lớn ở Việt Nam nhưng có thể nói việc đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn và tiến tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em thời gian qua đã được quan tâm và có những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là với các trường hợp bạo lực về thể chất, tình dục…
Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng, cộng đồng và người dân đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động nhận diện, lên án, xử lý những hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em về mặt thể chất, thì bạo lực tinh thần, một trong những hành vi bạo lực giới nghiêm trọng lại chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí nhiều khi chưa được nhận diện.
Sở dĩ có tình trạng như vậy là bởi bạo lực tinh thần dù khá phổ biến - con số chung cho tỷ lệ bị bạo lực tinh thần đối với phụ nữ do chồng gây ra tại Việt Nam là 53,6% trong cuộc đời - nhưng lại khó nhận dạng hơn so với bạo lực thể chất. Với hình thức bạo lực này, nạn nhân phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô tục, nặng nề xúc phạm nhân phẩm và danh dự. Bạo lực tinh thần còn tồn tại với các hành vi đe dọa tinh thần, khủng bố tâm lý... đẩy nạn nhân đến sự khủng hoảng, phẫn uất.
Đáng sợ hơn, bạo lực tinh thần thường diễn ra dưới dạng “chiến tranh lạnh” - một kiểu hành hạ bằng tình cảm - nghĩa là người chồng tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt, vô trách nhiệm đối với người vợ, thậm chí đem so sánh với người phụ nữ khác... Hành vi này khó phát hiện vì diễn ra lặng lẽ, không có đánh đập, xô xát hay chửi bới và cũng vì vậy mà không gây được sự chú ý của nhiều người. Hậu quả của bạo lực tinh thần kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của nạn nhân, gây trạng thái trầm cảm và sang chấn tâm lý, thậm chí nghĩ đến tự sát. Điều đáng nói là bạo lực tinh thần thường xảy ra trong những gia đình trí thức. Những người có học vấn nhận thức được việc bạo hành về thể chất dễ dàng bị phơi bày và có sự can thiệp của pháp luật. Họ sợ bị dư luận đánh giá là “thiếu văn hóa”, đánh mất sĩ diện, danh dự. Và họ cũng khéo che đậy bằng vẻ ngoài một gia đình hạnh phúc, thuận hòa. Chính vì thế họ thường chọn cách giải quyết mâu thuẫn gia đình bằng bạo lực tinh thần.Từ thực tế trên, có thể thấy để “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” như chủ đề của Tháng hành động năm nay, cần quan tâm hơn nữa đến việc nhận diện, ngăn chặn, lên án hành vi bạo lực tinh thần cùng những biến tướng nguy hiểm của nó. Để thực hiện mục tiêu trên, cần tạo nên một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề bạo lực tinh thần. Quan trọng hơn là làm sao để nạn nhân của tình trạng bạo lực tinh thần có thể vượt qua sự e ngại mà lên tiếng, tố cáo các hành vi này như đối với các nạn nhân của bạo lực thể chất. Từ nhiều năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2013/NĐ-CP trong đó có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi bạo lực tinh thần. Tuy nhiên, chỉ xử phạt thôi là chưa đủ. Cần đặt những người có hành vi bạo lực tinh thần, mà phần nhiều có trình độ học vấn nhất định, trước sự lên án mạnh mẽ của dư luận, cộng đồng để họ có thể thay đổi nhận thức, tự điều chỉnh hành vi trên cơ sở những chuẩn mực về danh dự, đạo đức, góp phần ngăn chặn, tiến tới chấm dứt vấn nạn này.