Tuyên truyền phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại trường Tiểu học Kim Đồng, Ba Đình. Ảnh: Trần Anh |
Nhận thức đúng và đầy đủ hơn
Theo nhiều ý kiến phân tích, tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình; một bộ phận các gia đình tập trung cho làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, không quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ em mà giao phó cho nhà trường. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; bạo lực gia đình bất bình đẳng giới trong gia đình có diễn biến phức tạp... Trong khi đó, đối tượng trẻ em bị xâm hại rất đa dạng; hành vi biểu hiện dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Theo số liệu khảo sát 63 tỉnh, TP với hơn 4.000 trẻ với câu hỏi rất đơn giản là tuổi trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em thì chỉ 53% trẻ trả lời đúng. Đối với người lớn chỉ có 4,7% hiểu biết về quyền được bảo vệ không bị bạo lực, bỏ mặc, bỏ rơi và 3,9% biết đến quyền được bảo vệ để trẻ em không bị xâm hại tình dục. |
Dẫn ra con số trong 6 tháng năm 2019, cả nước có gần 5.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó số trẻ bị xâm hại tình dục chiếm trên 80%, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng, sự hiểu biết về pháp luật, về xâm hại trẻ em, những kỹ năng bảo vệ trẻ em của các bậc cha mẹ, tự bảo vệ của trẻ em còn rất thiếu. Có 3 nguyên nhân dẫn đến bạo lực, xâm hại trẻ em được người lớn tham gia khảo sát, đồng ý với số điểm rất cao là trẻ thiếu hiểu biết, kỹ năng tự bảo vệ là 3,99/5 điểm, do ảnh hưởng mạng xã hội, thông tin không lành mạnh 3,98 điểm, do cha mẹ thiếu kỹ năng phòng, chống bảo vệ trẻ em là 3,89 điểm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, trước hết phải có nhận thức đúng và đầy đủ hơn về bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận, đánh giá lại vai trò của gia đình trong vấn đề này để có kế hoạch, chính sách, chiến lược đối với gia đình trong phòng, chống. “Chúng ta cần có số liệu chính xác về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình để có đánh giá, phân tích chính xác và có dự liệu, biện pháp xử lý phù hợp, sát với thực tế” - Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Không để “nhờn” pháp luật, đạo đức
Chỉ rõ phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình là vấn đề khó, nhạy cảm, chúng ta cũng chưa bao giờ giáo dục trẻ em phải phòng, ngừa chính người thân của mình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ cho rằng, ngoài quản lý Nhà nước bằng pháp luật, chúng ta còn có 3 mảng quan hệ là đạo đức, tôn giáo và phong tục, tập quán… Lâu nay, chúng ta còn yếu trong việc đề cập và xây dựng 3 mảng quan hệ này, thiếu sự lên án về mặt đạo đức đối với hành vi bạo lực gia đình. Điều này dẫn đến câu chuyện “nhờn” pháp luật, đạo đức.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, cần đánh giá thực trạng trẻ em bị xâm hại trong gia đình, bạo lực trẻ em đang ở mức độ nào? Nếu 6 hình thức xâm hại trẻ em được quy định trong Luật Trẻ em nổi lên là bạo lực và xâm hại tình dục, thì xâm hại tình dục trong gia đình mang yếu tố loạn luân, việc lâu nay đã âm ỉ nhưng gần đây đang ở mức độ nào? Chúng ta cũng cần đánh giá, phân loại gia đình nào con cái có nguy cơ bị xâm hại nhiều… Việc xác định rõ sẽ có giải pháp phòng, chống hữu hiệu. “Hiện nay, pháp luật của nước ta về bảo vệ quyền trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình tương đối tốt. Do đó, không thể đổ lỗi cho thể chế, pháp luật mà cần xem lại khâu tổ chức thực hiện” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận định.