Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em: Đòi hỏi chính sách cụ thể, thiết thực hơn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giải pháp, kế hoạch thế nào để bảo vệ đối tượng phụ nữ, trẻ em khuyết tật khỏi bạo lực xâm hại. Đó là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ VHTT&DL, Bộ LĐTB&XH tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa qua.

Theo Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, theo các báo cáo, trong năm 2018, còn khoảng 1.500 người là nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, trong đó 40% phụ nữ, trẻ em gái bị khuyết tật đã từng ít nhất bị một lần bạo lực tình dục. Với những đối tượng này, có nhiều lý do khiến họ rất khó khăn trong bản năng tự vệ, do đó rất cần những giải pháp để bảo vệ.
Trước đó, trong các phiên giải trình, chất vấn trước Quốc hội về nội dung này, nhiều đại biểu cũng nêu lên thực trạng, mỗi năm có hàng nghìn trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại, trong đó có các trẻ khuyết tật, nhưng con số này chưa phản ánh đúng tình trạng hiện nay. Bởi, đây mới là số liệu từ nguồn thống kê chính thức.
 Ảnh minh họa.
Còn thực tế, có không ít trường hợp dù có xâm hại xảy ra, song vì nhiều lý do khác nhau mà người trong cuộc là nạn nhân, người nhà nạn nhân không báo, tố giác đến cơ quan chức năng. Do vậy, số xâm hại trẻ em trong những trường hợp này vẫn là một ẩn số.
Hiến pháp năm 2013 quy định, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Cụ thể hóa điều này, Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc cấm xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em...
Đồng thời, trong Bộ luật Hình sự năm 2015, cũng quy định rõ các hình phạt với khung cao nhất của tội phạm này có thể lên đến 12 năm tù. Nhìn chung, chế tài áp dụng cho các tội phạm xâm hại trẻ em trong Bộ luật Hình sự rất nghiêm khắc.
Tuy nhiên, tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa qua, giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Liên quan đến vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, chúng ta đã có đầy đủ chính sách, hỗ trợ, tuy nhiên nhiều địa phương không biết, việc tổ chức thực hiện chính sách còn mơ hồ. “Vừa rồi, tôi có đi kiểm tra cùng một số đoàn, 2/3 số phụ nữ, trẻ em bị xâm hại là không được trợ giúp, khi được hỏi vì sao không được trợ giúp thì xã nói không nắm được”- Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Quốc hội đã lập 3 đoàn giám sát tối cao về chống xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có người cao tuổi, trẻ em khuyết tật. Thông qua giám sát, chắc chắn Quốc hội sẽ chỉ rõ những tồn tại trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, khi phát hiện các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, phải xử lý nghiêm, áp dụng các chế tài một cách nghiêm minh. Có thể đối với bạo lực xâm hại, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em, phụ nữ, có những yếu tố, chứng cứ, đòi hỏi khó hơn so với một số lĩnh vực vi phạm khác. Vì vậy, hiện nay Bộ Công an đang xây dựng quy trình, cách thức tiến hành, đồng thời hỗ trợ các đối tượng bị bạo lực, xâm hại một cách kịp thời.
“Việc phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là những trẻ em gái khuyết tật, người cao tuổi, cần phải có giải pháp tổng thể, lâu dài, phải xây dựng một đề án về phòng chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em với những chính sách cụ thể, thiết thực hơn” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh.

Cũng liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng cho biết, Bộ đang triển khai một số giải pháp, trong đó sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình theo hướng quan tâm giải pháp phòng chống bạo lực đối với người cao tuổi và trẻ em trong gia đình. Bên cạnh đó, hoàn thiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ về nâng cao, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình thông qua việc giáo dục đời sống gia đình, nhằm chống bạo lực, các hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình.