Phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên gia súc: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh viêm da nổi cục bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ giữa tháng 10/2020. Rất nhanh sau đó, bệnh đã lây lan ra 75 xã thuộc 30 huyện của 9 tỉnh.Tổng số gia súc mắc bệnh là 1.014 con, trong đó gia súc đã tiêu hủy là 147 con.

Người dân cần chủ động phun tiêu độc khử trùng chuồng trại để phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Mới đây nhất, trên địa bàn Hà Nội cũng đã xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm này tại đàn bò của gia đình ông Đoàn Ngọc Phan, thôn Đồng Tiến, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus viêm da nổi cục, cơ quan chuyên ngành thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy con bò mắc bệnh với trọng lượng 280kg. Đồng thời thực hiện đầy đủ các bước khống chế dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, bố trí cán bộ thực hiện công tác theo dõi, giám sát chặt chẽ số con khỏe mạnh còn lại trong đàn.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời điểm này, ổ dịch tại Hà Nội đã được khống chế. Tuy nhiên, virus viêm da nổi cục có thể tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng, vận chuyển trâu bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn Hà Nội là rất cao, bởi các tỉnh lân cận đều đã có ổ dịch viêm da nổi cục và đang có chiều hướng lây lan nhanh. Trong khi đó, Hà Nội là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm lớn, là nút giao thông của nhiều tuyến quốc lộ nên việc kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn. Cộng với nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao cũng như giá thịt trâu, bò có xu hướng tăng lên vào dịp cuối năm nên công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh gặp không ít khó khăn.

Mặt khác, bệnh viêm da nổi cục là bệnh mới xảy ra trên địa bàn nên sự hiểu biết của người chăn nuôi về đặc điểm lây truyền, triệu chứng và cách phòng, chống bệnh còn chưa cao. Trong khi tổng đàn trâu, bò của TP lớn, với 158.000 con, nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, một số nơi còn chăn thả nên ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh cũng như chăn nuôi an toàn sinh học của người dân còn hạn chế.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi cũng như khó khăn trong công tác quản lý. Hộ anh Đặng Đình Hậu ở xã Nam Điền, huyện Chương Mỹ hiện đang nuôi 50 con bò cho biết: “Gia đình tôi nuôi bò từ nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ nghe đến bệnh viêm da nổi cục. Trong khi giá trị đàn bò rất lớn, nếu không may xảy ra dịch thì coi như tán gia bại sản”.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, Hà Nội có tổng đàn trâu, bò lớn. Do đó, nếu dịch bùng phát ra diện rộng thì thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, thời điểm này, các địa phương phải chủ động hợp tác, phối hợp nhanh chóng, hiệu quả trong công tác phòng và dập dịch; tổ chức thống kê toàn bộ các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn. Chỉ nhập, tiếp nhận gia súc rõ nguồn gốc. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ban ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh tại cơ sở, các trạm, chốt kiểm dịch liên ngành, kiểm soát tốt các phương tiện vận chuyển trâu bò, sản phẩm động vật ra vào địa bàn. Song song với đó, tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện tốt việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, cam kết không bán chạy, không giấu dịch. Thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.