Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Ngành thú y không thể thiếu “chân rết”

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ thực tế phòng dịch gia súc, gia cầm thời gian qua cho thấy, vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ thú y cơ sở là không thể thiếu trong việc phát hiện, giám sát, xử lý các ổ dịch mới bùng phát.

 Lực lượng thú y cơ sở khử trùng chống dịch cúm gia cầm tại Chương Mỹ. Ảnh: Phương Nga

Bộ máy thiếu xuyên suốt
Thực hiện Nghị quyết của T.Ư về sắp xếp lại bộ máy, đến nay nhiều địa phương đã hoàn thành việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Có thể khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết, bởi đã thu gọn được đầu mối. Tuy nhiên, trên thực tế khi các cơ quan hợp nhất này đi vào hoạt động đã phát sinh những lúng túng nhất định trong điều hành. Đặc biệt, việc xáo trộn hệ thống thú y cơ sở gây khó khăn khi dịch xảy ra.
Tính đến tháng 3/2020, cả nước có 3/63 tỉnh, TP đã sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các ngành nông nghiệp khác; 36/63 tỉnh, TP sáp nhập Trạm Thú y cấp huyện (trực thuộc Chi cục Thú y cấp tỉnh) với các ngành nông nghiệp khác và chuyển thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện; 7/63 tỉnh, TP không có nhân viên thú y xã.
Quảng Ngãi là một trong những địa phương đi đầu trong việc sáp nhập các Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi Ngô Hữu Hạ cho biết: Với mô hình sáp nhập mới, ngành thú y chỉ còn 2 cấp là T.Ư và cấp tỉnh. Trong khi Luật Thú y quy định cần có 4 cấp, từ T.Ư đến cấp xã, phường. “Việc sáp nhập hệ thống thú y cơ sở khiến Chi cục mất đi “chân rết”. Vì vậy, bộ máy hoạt động thiếu xuyên suốt, khó có thể đáp ứng yêu cầu khi dịch xảy ra” – ông Hạ cho hay.
Chung quan điểm này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang Hoàng Đăng Huyến chia sẻ: Trong mô hình sáp nhập hiện nay, ngành thú y đang gặp khó khi thiếu chức năng quản lý Nhà nước xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở. Trong khi đó, đây lại là lĩnh vực thường có những diễn biến đột xuất. Một trong những nguyên tắc trong phòng, chống dịch là phát hiện sớm, xử lý nhanh, triệt để. “Vừa qua, khi địa bàn xảy ra dịch lở mồm long móng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ có thể phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trong việc triển khai các phương án dập dịch, chứ không được chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện như trước” – ông Huyến chia sẻ.
Kiến nghị tăng cường hệ thống
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn kiến nghị: Dự báo thời gian tới, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có xu thế gia tăng, càng đòi hỏi lực lượng thú y cơ sở phải sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ. Do đó, ngành thú y Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu TP giữ nguyên hệ thống mạng lưới thú y cơ sở.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Với những tồn tại, bất cập về hệ thống thú y trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT vừa có Công văn gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xem xét các kiến nghị, đề xuất tiếp tục tổ chức giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về thú y. Đề nghị Chính phủ và cấp có thẩm quyền chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, nhất là tại cơ sở, bảo đảm lực lượng tổ chức có hiệu quả công tác thú y.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ đề xuất đưa vào Nghị quyết của Chính phủ để có cơ sở xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án tăng cường năng lực ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 – 2030", bảo đảm nguồn lực triển khai có hiệu quả công tác thú y, phòng chống dịch bệnh động vật.