Phòng chống dịch Covid-19: Linh hoạt kịch bản, giải pháp để thích ứng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp phù hợp, khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài. Đó là vấn đề đang được nhắc đến nhiều trong thời điểm này khi dịch Covid -19 đã kéo dài gần hai năm, với những biến thể khác nhau.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ứng phó linh hoạt, đẩy mạnh chiến lược vaccine, thiết kế lại các dịch vụ xã hội... là những hướng đi cần thiết.
Những quyết sách linh hoạt, không nóng vội

Nhìn lại công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, nhiều ý kiến nhận định, các cấp, các ngành đã thể hiện được sự bình tĩnh, không nóng vội. Các chiến lược, giải pháp được đưa ra trong từng thời điểm luôn có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Thông điệp về 5K, vaccine, thuốc, công nghệ cùng bốn sớm (phát hiện sớm, xét nghiệm sớm, cách ly sớm và điều trị sớm) và nhiều giải pháp phòng chống dịch khác đã thực thi hiệu quả trong cuộc sống. Từng đợt dịch được đẩy lùi, kiểm soát bằng các giải pháp quyết liệt và linh hoạt, nhận được sự đồng lòng của người dân.
 Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra sản xuất và phòng chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH Osco International, cụm CN Lai Xá, huyện Hoài Đức. Ảnh: Nhật Nam
Thực tiễn cũng cho thấy, việc áp dụng giãn cách xã hội là một giải pháp đúng để kịp thời giảm độ lây lan của dịch bệnh, khoanh vùng, cách ly hiệu quả. Nhưng không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi, vì khó khăn cho người dân và nền kinh tế là rất lớn. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị với Ban cán sự Đảng Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quan điểm, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đồng thời tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, ưu tiên bảo đảm nguồn vaccine, thuốc chữa bệnh; quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, bám sát tình hình, chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp phù hợp, khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài. Sẵn sàng các phương án phòng chống dịch phù hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nhằm thích nghi, ứng phó với mọi tình huống, bắt kịp và tranh thủ cơ hội từ xu hướng phục hồi nhanh của các nền kinh tế lớn trên thế giới, chú trọng các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động.

Từ thực tế hiện nay, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần điều chỉnh về chiến lược phòng, chống dịch bệnh giai đoạn mới theo hướng tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, bao gồm xét nghiệm trọng điểm, điều trị hiệu quả, triển khai tiêm vaccine, “tinh thần là dịch đến đâu xử lý gọn đến đấy”… Cụ thể, những tỉnh đang kiểm soát được dịch bệnh sẽ tiếp tục nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện sớm, truy vết khoanh vùng, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả. Những địa phương bị dịch nhiễm sâu và nặng phải có những biện pháp chống dịch đặc biệt như tập trung kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, giảm nhanh số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine; sau đó dần nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái “bình thường mới” sau khi tiêm vaccine đạt được miễn dịch cộng đồng; kiểm soát chặt người ra, vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác. Chiến lược phòng, chống dịch giai đoạn mới cũng phải có các biện pháp, quy định cụ thể để bảo đảm an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự cho người dân khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế), dịch bệnh ngày càng khó dự báo bởi đã lan rộng ở nhiều nơi, bùng phát trên nhiều địa bàn. Hơn 80% số ca nhiễm có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng càng khiến mầm bệnh dễ phát tán. Tình hình hiện nay đã thay đổi, phải xác định rất khó có thể truy vết, cách ly triệt để tất cả F0 trong cộng đồng như trước đây, hay nói cách khác là rất khó để đưa dịch về “con số 0”, chúng ta chỉ có thể kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta chấp nhận có những ca F0 phát sinh trong cộng đồng, sẵn sàng tâm thế ứng phó khi có ổ dịch bùng phát.

Đi trước một bước

Việc bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở; phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, phân loại, điều trị, chăm sóc phù hợp ở các tuyến, không để quá tải tuyến trên; kết hợp đông y với tây y, cổ truyền với hiện đại trong điều trị… cũng là vấn đề được đưa ra.

Thực tế vừa qua cho thấy, việc thực hiện tốt chiến lược 5K+vaccine và thuốc, các biện pháp công nghệ. Tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine khoa học, an toàn, hiệu quả, toàn diện theo hướng dẫn của Bộ Y tế theo tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất” đã phát huy hiệu quả. Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kính (Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam), dịch bệnh Covid-19 sẽ kéo dài với khả năng đột biến, lây nhiễm mạnh của virus SARS-CoV-2. Thời gian qua, số lượng bệnh nhân tăng rất nhanh trong cùng một thời điểm đã gây quá tải cho hệ thống y tế, bộc lộ yếu kém về khả năng hồi sức cấp cứu, thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu máy thở, oxy… Đây là vấn đề cần khắc phục.

Từ thực tế đó, Bộ Y tế cũng đã lưu ý các địa phương phải luôn sẵn sàng để chuẩn bị đủ cơ sở thu dung điều trị, nhân lực y tế và trang thiết bị y tế. Thực tế, một số địa phương phải trông cậy nhiều vào hệ thống y tế sẵn có, tuy nhiên, khi có nhiều ca nhiễm trong cùng một thời điểm, nguồn lực sẵn có không thể đáp ứng kịp. Do đó, phải chuẩn bị cao hơn, từ việc tiếp nhận, quản lý F0 không triệu chứng; điều trị ca có triệu chứng và ca nặng. Bộ cũng đã ban hành hướng dẫn về 3 tầng tháp trong điều trị Covid-19. Căn cứ từ việc phân tầng này, các địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất. Trong đó, tầng tháp thứ nhất sẽ quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (chiếm tỷ lệ khoảng 80%).

Nhìn từ Hà Nội thời gian qua, để luôn giữ thế chủ động, mọi kịch bản, phương án phòng chống dịch đều được lãnh đạo TP tính toán, xây dựng với các tình huống dịch diễn biến xấu hơn, phức tạp hơn để từ đó chủ động trong dự phòng, ứng phó. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Hà Nội đã chuẩn bị được 135 cơ sở cách ly, khả năng tiếp nhận cách ly 42.982 người và sẵn sàng chuẩn bị phương án đáp ứng 100.000 giường cách ly các đối tượng F1. Nhưng hiện nay, mới chỉ sử dụng khoảng 9% “công suất”giường đã có, đặc biệt, các khu cách ly trên địa bàn luôn được quản lý và vận hành hiệu quả, an toàn, không để xảy ra lây nhiễm chéo. Cùng với chuẩn bị các khu cách ly tập trung, Hà Nội cũng xây dựng các kịch bản, phương án đáp ứng về y tế, với 40.000 giường điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, mục tiêu không để F0 phải cách ly, điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, TP đảm bảo cung cấp oxy y tế đáp ứng công suất 40 tấn/ngày, 1.200 tấn/tháng. Trong trường hợp khẩn cấp có thể nâng công suất đạt 100 tấn/ngày, 3.000 tấn/tháng.

Theo GS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư), để chống dịch lâu dài, điều quan trọng là phải xây dựng được các kịch bản linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, thời kỳ, nguồn lực. Những vùng dịch bùng phát thì tập trung cứu chữa ca nhiễm, giảm F0 chuyển nặng…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin, việc thiết kế các hệ thống báo động và theo dõi dịch bệnh trực tuyến từ cơ sở có thể giúp dự báo dịch bệnh nhanh, chính xác hơn cũng là một giải pháp phù hợp.

"“Sống chung với nCoV” không có nghĩa là buông lỏng việc chống dịch. Chúng ta chấp nhận có những ca F0 phát sinh trong cộng đồng, sẵn sàng tâm thế ứng phó khi có ổ dịch bùng phát. Thực tế nhân loại đang sống chung với nhiều virus gây dịch bệnh truyền nhiễm khác nhau. Các địa phương nên xây dựng kế hoạch chống dịch lâu dài và kịch bản sống chung với nCoV phù hợp với điều kiện thực tế từng nơi. Cùng với đó tất cả người dân thực hiện tốt 5K. Nơi có dịch thì ưu tiên chống dịch, nhưng nơi an toàn ưu tiên sản xuất. Duy trì sản xuất cũng là duy trì nguồn lực để chống dịch lâu dài." - Nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế - PGS.TS Nguyễn Huy Nga

"Đến thời điểm này, dịch bệnh của Hà Nội không bùng phát lên là một thành công. Tuy nhiên, để trở về “Zero Covid” là rất khó, bởi dịch vẫn còn lẩn khuất trong cộng đồng, từng xâm nhập vào các chuỗi như lái xe, shipper… Hơn nữa, tình hình dịch trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp.
Sau khi tiêm 1 mũi vaccine thì miễn dịch còn kém, tiêm đủ 2 mũi mới đủ miễn dịch nhưng cũng chỉ giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ nặng, không đảm bảo hoàn toàn không lây nhiễm. Khả năng truyền bệnh giữa người tiêm và chưa tiêm là giống nhau, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm cho trẻ em, người già, người có bệnh nền, là những đối tượng chưa được tiêm vaccine. Biến chủng khó lường, nên mỗi ngành, mỗi cấp cần có phương án để thích ứng an toàn với dịch bệnh." - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - PGS.TS Trần Đắc Phu
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra sản xuất và phòng chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH Osco International, cụm CN Lai Xá, huyện Hoài Đức. Ảnh: Nhật Nam