Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại Đông Anh: Hiệu quả từ bể bơi thông minh

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua gần một tháng đưa vào triển khai thí điểm, mô hình bể bơi thông minh dành cho học sinh (HS) tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Đông Anh bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

An toàn là ưu tiên số một
Từ khi xã có bể bơi thông minh đặt tại nhà giáo dục thể chất trường THCS Hải Bối, cuối tuần nào cũng vậy, chị Lê Thị Thủy, xã Hải Bối cũng đưa con gái đến học bơi. Tại đây, con gái chị không chỉ được các giáo viên dạy bơi thuộc trường Đại học Thủ đô Hà Nội hướng dẫn kỹ thuật bơi, mà còn được trang bị nhiều kiến thức hữu ích về phòng, chống cũng như kỹ năng sơ cấp cứu khi gặp tai nạn đuối nước. Điều khá đặc biệt, nhờ hệ thống camera giám sát được lắp đặt xung quanh bể bơi thông minh, các bậc phụ huynh dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có kết nối internet đều có thể theo dõi mọi hoạt động học tập, bơi lội của con em tại trường.

Bể bơi thông minh được lắp đặt tại trường THCS Hải Bối, huyện Đông Anh. Ảnh: Trọng Tùng

Bên cạnh trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết về bơi lội, phòng chống tai nạn đuối nước, việc bảo đảm các yếu tố về vệ sinh, môi trường dạy - học và an toàn thân thể luôn được chú trọng. Nhờ hệ thống máy lọc tuần hoàn làm sạch nước liên tục, kết hợp với phương pháp khử khí Clo, chất lượng nguồn nước tại bể bơi thông minh được đánh giá là an toàn, đáp ứng những yêu cầu khắt khe về điều kiện vệ sinh. Hơn nữa, bể bơi được thay nước thường xuyên và HS được tắm tráng sau mỗi lần bơi. Đặc biệt, cán bộ y tế cũng được bố trí túc trực liên tục tại bể bơi, nhằm xử lý kịp thời những tình huống không may có thể xảy ra đối với các em nhỏ. Ngoài ra, các giáo viên dạy bơi đều được đào tạo chuyên ngành, có chứng chỉ cứu đuối nước và quy định số HS cụ thể cho mỗi giờ học nhằm đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng quá tải.
Từng bước nhân rộng
Bể bơi thông minh tại trường THCS Hải Bối là công trình nằm trong Đề án “Dạy bơi, phòng chống đuối nước cho HS tiểu học, THCS huyện Đông Anh bằng bể bơi thông minh” do UBND huyện Đông Anh phê duyệt. Theo bà Dương Thị Sáu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Anh, đề án nhằm thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 cũng như sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội. Đây cũng là công trình đầu tiên được triển khai theo hình thức xã hội hóa và hoàn thành dịp đầu mùa Hè năm 2017. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của mô hình điểm, huyện Đông Anh sẽ phối hợp với các DN tiến hành lắp đặt thêm 6 bể bơi thông minh khác tại các trường: THCS Vĩnh Ngọc, Tiểu học Liên Hà A, Tiểu học Cổ Loa, Tiểu học Tiên Dương, Tiểu học Đại Mạch và Tiểu học thị trấn Đông Anh.
Đông Anh là địa bàn có sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ chảy qua và  nhiều hồ, ao, sông, ngòi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho trẻ em. Chính vì vậy, mô hình lắp đặt bể bơi thông minh tại các trường học do UBND huyện triển khai được xem là một trong những mô hình phòng, chống đuối nước sáng tạo, hiệu quả và lần đầu tiên được triển khai tại các huyện, thị xã khu vực ngoại thành. Theo lãnh đạo huyện Đông Anh, huyện phấn đấu đến hết năm 2018, mỗi xã, thị trấn sẽ có ít nhất một trường học được lắp đặt bể bơi thông minh. Cùng với đó là mục tiêu 80% HS thuộc các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện được học bơi.
Bể bơi thông minh là giải pháp phù hợp với điều kiện nông thôn và có thể mang lại hiệu quả tốt hơn so với phương thức xây dựng các bể bơi kết cấu cứng từng được thí điểm triển khai tại một số quận, huyện thời gian qua. Đây cũng là cách làm tương thích với định hướng xã hội hóa trong triển khai đầu tư các dự án mang tính cộng đồng. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chung của ngành giáo dục Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội  Lê Ngọc Quang