Trước đó, Bộ Y tế đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức xây dựng kế hoạch, đầu tư và huy động các nguồn lực, bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện Chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020; lồng ghép chỉ tiêu phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tại địa phương triển khai, giám sát việc thực hiện Chính sách; giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, đặc biệt là hành vi sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong thanh thiếu niên, tăng cường quản lý đối với sản xuất và kinh doanh rượu thủ công tại địa phương.
Ảnh minh họa.
|
Đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác. Tổ chức phổ biến, quán triệt việc triển khai thực hiện Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn cho tất cả các cơ quan, đơn vị.
Để thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế, Thành phố Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tăng cường triển khai thực hiện Chính sách Quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Lạm dụng đồ uống có cồn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ cộng đồng và trật tự, an toàn xã hội; là nguyên nhân đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm như ung thư, tim mạch, sơ gan và các rối loạn tâm thần…
Chi phí do lạm dụng đồ uống có cồn cũng tạo gánh nặng cho nền kinh tế và ngân sách của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ bình quân đầu người từ 15 tuổi trở lên năm 2012 là 6,6 lít rượu nguyên chất, cao hơn mức của trung bình thế giới. Tiêu thụ bia ở Việt Nam hiện đạt mức 3 tỷ lít/năm.