Thế nhưng, đến nay, việc thực thi chỉ nằm trên... giấy và đây vẫn là bài toán nan giải của các cơ quan chức năng.
“Nhờn” luật
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ năm 2013) đã quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013 hay Nghị định 155/2016/NĐ-CP ban hành ngày 18/11/2016 (có hiệu lực từ ngày 1/2/2017) cũng đã quy định cụ thể các mức xử phạt hành chính với hành vi vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng.
Tuy vậy, vẫn cũng không cơ quan nào kiểm tra, giám sát việc thực thi khiến Luật chỉ treo trên... giấy. Cho đến nay, chưa có cá nhân nào bị phạt do hút thuốc hay vứt tàn thuốc, mẩu thuốc ở những nơi cấm hút thuốc. Qua quan sát của phóng viên, tại rất nhiều các khu vực công cộng có biển cấm hút thuốc, người dân vẫn vô tư nhả khói mà không quan tâm tới những người xung quanh.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc. Ngoài ra, hút thuốc lá thụ động là một nguyên nhân làm tăng 25 - 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ… Bên cạnh đó, nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc, và là một nguyên nhân làm thai chết lưu và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200 - 400g.
Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2019, WHO lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Thông qua chủ đề này, WHO muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về phổi, đồng thời kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá. |
Tăng hiệu quả xử phạt
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam phải chi 31.000 tỷ đồng/năm cho việc mua thuốc lá. Ngoài ra, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất sức lao động vì đau ốm và tử vong sớm của 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do hút thuốc lá gây ra như ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23.000 tỷ đồng/năm. Để hạn chế gánh nặng bệnh tật này không còn cách nào khác ngoài việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong người dân. Tuy nhiên, hành trình này còn gian nan do cả từ nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Để xảy ra tình trạng người dân nhờn với Luật Phòng chống tác hại thuốc lá theo các chuyên gia y tế là do tình trạng dễ dàng tiếp cận với thuốc lá ở bất kỳ nơi đâu, dù vỉa hè, hàng quán hay trung tâm thương mại và giá thuốc lá ở Việt Nam nói chung còn thấp. Bên cạnh đó, việc giám sát, xử phạt chưa nghiêm của cơ quan chức năng cũng khiến cho cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết.
Ông Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin, dữ liệu toàn cầu của WHO năm 2017 chỉ ra rằng, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới. Đồng thời, thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá Việt Nam trên giá bán lẻ chỉ chiếm từ 35 - 40% (cách xa khuyến cáo của WHO là 70%) và nằm trong nhóm 3 nước có thuế thuốc lá thấp nhất trên thế giới (cùng Lào và Campuchia).
Để hạn chế sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra tại Việt Nam, bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, cho rằng, để đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới còn 39%, Việt Nam cần tăng thuế tiêu thụ thuốc lá, đồng thời tăng cường hiệu quả của việc xử phạt.
"Chúng tôi đang nghiên cứu để ban hành cơ chế phạt "nguội" như ở Singapore; nghĩa là chỉ cần chụp được ảnh có đầy đủ tên cơ sở để xảy ra vi phạm hoặc người có hành vi hút thuốc và các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để xử phạt theo đúng quy định" - bà Hải cho biết thêm.
Cũng theo bà Hải, trong thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng trong nhà của khách sạn, nhà hàng, các nơi làm việc, cơ sở y tế, bến tàu, bến xe và nhân rộng các mô hình không khói thuốc.