Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng, chống tham nhũng: Cần những chế tài mạnh hơn

Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành.

Đánh giá thẳng thắn của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN) về thực tế này thời gian qua cho thấy phải công khai, minh bạch, có những chế tài mạnh hơn mới mong hạn chế, đẩy lùi được “giặc nội xâm”
Quyết tâm nhiều, kết quả ít
Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình một lần nữa nhận định: Tham nhũng có tính "lợi ích nhóm" đã xuất hiện trong một số lĩnh vực. Tình trạng sách nhiễu, "tham nhũng vặt" trong khu vực công còn nhiều. Tham nhũng vẫn đang là lực cản sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nhận diện rõ nguy cơ ấy, nhiều biện pháp quyết liệt được đưa ra nhằm hạn chế, từng bước đẩy lùi “giặc nội xâm”.
 Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Long Biên. Ảnh: Thanh Hải
Tuy nhiên, những con số đưa ra vẫn còn khá “khiêm tốn”. Trong 10 năm qua, cả nước chỉ có 918 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác đối với gần 310.700 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan điều tra đã khởi tố 3.337 vụ án/7.789 bị can; Viện KSND đã truy tố 2.270 vụ/6.480 bị can; TAND đã xét xử 2.536 vụ án/5.749 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Đến nay, riêng các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi đã đưa ra xét xử sơ thẩm 19 vụ/220 bị cáo, với 8 án tử hình, 12 án chung thân… Thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế gây ra được phát hiện cũng được đánh giá là rất nghiêm trọng, với khoảng 59.750 tỷ đồng và trên 400ha đất. Tuy nhiên, số tiền đã khắc phục và thu hồi chỉ vào khoảng 4.676 tỷ đồng và trên 219ha đất.
10 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã thi hành kỷ luật hơn 7.000 đảng viên, truy tố và xét xử 278 vụ án với hơn 700 bị cáo về các tội tham nhũng. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Hà Nội đã tiết kiệm trên 8.000 tỷ đồng trong quản lý sử dụng ngân sách; 1.449 tỷ đồng trong quản lý vốn đầu tư xây dựng…
Một trong những nguyên nhân “không mới” được chỉ ra là tính công khai, minh bạch chưa được thực hiện hiệu quả. Báo cáo mới đây của Chính phủ gửi lên Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV thẳng thắn nêu rõ, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức. Theo thống kê, cả nước có hơn 1 triệu người có chức, có quyền thuộc diện cán bộ phải kê khai tài sản thu nhập trong năm, nhưng không có trường hợp nào bị kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực hay bị xử lý kỷ luật về vấn đề này.
Tăng minh bạch, mở rộng giám sát
Thực tế này khiến cho không chỉ cử tri mà còn luôn “nóng” trên nghị trường Quốc hội. Nhiều ĐB cho rằng nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng là vô cùng khó khăn nhưng không sớm đẩy lùi thì thực sự là nguy cơ vì “lòng dân không yên”, làm kiệt quệ tài nguyên quốc gia, tha hóa cán bộ. Đơn cử như vấn đề minh bạch trong kê khai tài sản. Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh nói: “Cán bộ công chức có tài sản phải chứng minh sự trong sạch của tài sản, không thể giải thích cô em, bà chị cho là được”.
Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng ngàn tỷ được xét xử, với những bản án hết sức nghiêm khắc. Tuy vậy, việc thu hồi tài sản lại không đáng kể so với số tiền thất thoát. Do vậy, các ĐB băn khoăn với việc hàng ngàn tỷ tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, ai đã nhận nó. Và đây cũng là câu hỏi mà Nhân dân chờ trả lời từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi, nếu không biết tiền đã đi đâu thì làm sao thu hồi được, làm sao diệt tham nhũng được tận gốc. Theo nhiều ý kiến, mọi cán bộ công chức, viên chức phải chịu sự kiểm soát tài sản của mình, phải chứng minh sự trong sạch tài sản của mình, nếu không chứng minh được phải coi đó là tài sản do tham nhũng mà có.
Tại Hà Nội, việc đẩy mạnh công khai, minh bạch đang được xác định là giải pháp hữu hiệu để cán bộ, công chức không thể tham nhũng. Chỉ từ đầu năm đến nay, TP đã rà soát, ban hành 97 văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, định mức để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí; đồng thời đẩy mạnh cải cách TTHC và ứng dụng CNTT. “Làm sao để hạn chế thời gian người dân phải đi lại và gặp gỡ trực tiếp cán bộ. TP đang yêu cầu các cơ quan phải hướng dẫn cụ thể, để người dân, DN sử dụng các dịch vụ công trực tuyến thuận lợi hơn, nhiều hơn” - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết.
Đề cập đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng: Cần hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, tạo điều kiện cho Nhân dân, báo chí giám sát công tác phòng chống tham nhũng. Tăng cường cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý nhằm giảm thiểu việc lợi dụng các thủ tục hành chính để sách nhiễu, vòi vĩnh. Hoàn thiện các quy định nhằm kiểm soát tốt tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhằm hạn chế tính hình thức của giải pháp này hiện nay. Đặc biệt, để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tính tiền phong gương mẫu của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu đóng vai trò hàng đầu. “Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu có thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; có thực sự gương mẫu không, hay nói không đi đôi với làm, chống tham nhũng một cách hình thức” - Phó Thủ tướng nói.
Làm rõ cả trách nhiệm cơ quan phòng, chống tham nhũng
Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng. Đảng và Nhà nước rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mà dường như tình trạng tham nhũng vẫn hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm của pháp luật. Phải chăng có tình trạng tham nhũng chồng tham nhũng. Vậy trách nhiệm của cơ quan phòng chống tham nhũng ở đây thế nào, tôi đề nghị cần phải làm rõ.
ĐB Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)