Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng:

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu…

Chiều 19/11, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn báo cáo kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng pháp luật, dự thảo luật đất đai, luật đấu thầu; việc tổ chức thi hành luật và các vấn đề pháp luật có xung đột.

Bên cạnh đó, cư tri cũng quan tâm đến công tác quản lý xăng dầu, ngân hàng, quy hoạch đô thị, hạ tầng; vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế; chế độ chính sách cho nhân viên y tế, giáo viên, chế độ nghỉ hưu, bảo hiểm xe máy…

Nhóm vấn đề khác mà các cử tri quan tâm là phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm.  

Cử tri Đà Nẵng nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Quang Hải
Cử tri Đà Nẵng nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Quang Hải

Đơn cử, cử tri Nguyễn Văn Quỳnh (quận Hải Châu) nêu: Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được triển khai mạnh mẽ, nhân dân rất tin tưởng. Tuy nhiên phòng ngừa, ngăn chặn chưa hiệu quả, đáng lo ngại, khi có cả những Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư đảng, Bộ trưởng…

Cử tri Nguyễn Văn Quỳnh cho rằng cần hoàn thiện thể chế, quy định một cách toàn diện, xiết chặt kỷ luật kỷ cương thì mới từng bước ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực.  

Về Luật đất đai, cử tri Quỳnh kiến nghị cần tiếp tục được sửa đổi để bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp, nhà nước. Cần bảo đảm đời sống nhân dân khi phải di dời, giải tỏa, tái định cư, không để các dự án treo kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, khiến đời sống nhân dân khó khăn, ngập úng, không có đường đi lại.  

Trong khi đó, cử tri Bùi Thị Thu Thái (quận Sơn Trà) kiến nghị cần quan tâm đến đời sống của nhân viên y tế và giáo dục. Bởi vì nhân viên y tế bỏ ngành; máy móc thiết bị y tế đắp chiếu. Còn giáo viên lương bèo bọt, trong khi dạy thêm không được nên đời sống khó khăn.  

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết: Xung quanh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu ực, hôm qua, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã họp để đánh giá lại công tác chỉ đạo trong thời gian qua và chỉ đạo những nội dung làm trong thời gian tới. Tổng Bí thư có bài phát biểu quan trọng, đầy đủ từ tư tưởng chỉ đạo nội dung, yêu cầu, những vấn đề cần tập trung sắp tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hải
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hải

“Công tác này thời gian qua từ Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban chỉ đao và đồng chí Tổng bí thư đã chỉ đạo quyết liệt, có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực với chỉnh đốn đảng, đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự chuyển biến, tự chuyển hóa…”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho hay.

Cũng theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo đã ra nhiều quy định, quy chế, nhiều kết luận chỉ thị đi ngay vào cuộc sống được dư luận đánh giá cao.

“Trước đây, trong văn kiện của Đảng có 1 câu “có vào có ra, có lên có xuống” trong công tác cán bộ, phải kịp thời thay thế cán bộ có uy tín giảm sút, năng lực hạn chế mà không cần hết nhiệm kỳ, không chờ hết thời gian bổ nhiệm. Vừa qua, chúng ta đã xử lý về mặt đảng, về mặt hành chính, hình sự theo pháp luật… Đối với cán bộ đảng viên sai phạm cũng kịp thời thay thế mà không chờ hết nhiệm kỳ”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết thêm.  

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Chúng ta luôn coi trọng phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phòng bằng biện pháp giáo dục, bằng nêu gương”.

Liên quan đến việc xây dựng pháp luật, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng trong tình hình mới các văn bản pháp luật phải có chất lượng, khoa học, tính khả thi, tránh được sự chống chéo, xung đột giữa các luật với nhau là việc làm cấp bách. Đặc biệt, không để xảy ra việc cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng và ban hành pháp luật.

“Người ta nói tham nhũng chính sách rất ghê gớm. Đôi khi tham nhũng một số tiền, dự án, miếng đất cụ thể… thì là hữu hình, đo lường được và định giá được nhưng khi pháp luật bị lợi ích ích nhóm cài cắm và những người làm luật kết hợp với nhóm lợi ích tự khoét một lỗ hổng để mà chui qua thì đó là tham nhũng chính sách. Hậu quả rất là lớn. Hiện nay, Bộ chính trị đã có chỉ đạo tuyệt đối không để cài cắm lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói.